Ghi nhận kỷ lục 1 ngày 667 ca dương tính nCoV, TP.HCM còn mối lo lớn nhất26/06/2021 - 09:32:00 Chính quyền TP.HCM cho rằng, nơi đáng lo nhất hiện nay là các khu chợ truyền thống, chợ đầu mối. Chỉ còn 5 ngày nữa hết giãn cách đợt 2, nhiều biện pháp mạnh hơn được áp dụng nhưng dịch Covid-19 vẫn phức tạp.
Kỷ lục ca dương tính, 68% bệnh nhân không triệu chứng Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết tối 25/6, TP có thêm 165 ca Covid-19 mới, nâng tổng số ca trong đợt dịch thứ 4 lên gần 2.400, chỉ sau Bắc Giang và vượt xa Bắc Ninh ở vị trí thứ 2 cả nước trước đó. Hôm nay (26/6), TP.HCM chỉ còn 5 ngày nữa là hết đợt giãn cách thứ 2, là tròn 1 tháng ròng rã chống dịch với bao khó khăn mà hiện giờ theo nhận định của ngành chức năng diễn biến còn rất phức tạp. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều 25/6 có sự tham dự của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, rất nhiều vấn đề nổi cộm được đưa ra.
Trước tiên là con số kỷ lục 667 ca dương tính nCoV trong 24h (từ 6h ngày 24 đến 6h ngày 25/6), được Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh báo cáo. Dù chủ yếu các ca này đều trong khu cách ly, phong tỏa, chỉ có 14 ca do tầm soát phát hiện tại các bệnh viện... nhưng vẫn là điều đáng lo ngại. Đáng nói, Giám đốc HCDC Nguyễn Trí Dũng cho biết, hiện có tới 68% bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị không có triệu chứng. Trong khi thời gian đầu phát hiện chuỗi lây nhiễm liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, có 68% bệnh nhân có triệu chứng. Ông Dũng nhận định, những ca chỉ điểm hiện nay hầu như không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất mơ hồ khiến hầu hết mắc bệnh ở mức độ nhẹ, nếu không đi khám khó nhận biết, do đó công tác chống dịch đi chậm hơn dịch bệnh. Người đứng đầu ngành y tế cũng cho rằng, các ca nhiễm trong cộng đồng dự kiến còn gia tăng, các trường hợp có triệu chứng đến khám ở các cơ sở khám, chữa bệnh trung bình từ 15-27 ca mỗi ngày. Chặt đứt chuỗi lây nhiễm ở các chợ đầu mối như thế nào? TP đang tồn tại 23 chuỗi lây nhiễm ở khu dân cư, chung cư, công ty, chợ và trường học... Trong đó, có 11 chuỗi lây nhiễm phát hiện thêm nhiều ca bệnh mới. Đặc điểm của các chuỗi này phần lớn đều được phát hiện từ một vài ca chỉ điểm đến khám sàng lọc tại các bệnh viện. Một số chuỗi có sự liên quan đến nhau, giống như các móc xích tạo nên đa chuỗi lây trong cộng đồng. Đáng kể nhất là chuỗi lây nhiễm khu dân cư Ehome3 (quận Bình Tân) hiện có tổng cộng 236 ca; chuỗi Công ty Hanjoo Trade, KCN Tân Phú Trung (Củ Chi) 189 ca; chuỗi Công ty Kim Minh, phường 13 (quận 5) 115 ca hay chuỗi vựa ve chai Đề Thám (quận 1) 36 ca;… Liên quan chuỗi ve chai này, tối 24/6, tại khu vực phong tỏa hẻm 76 đường Tôn Thất Thuyết, quận 4 phát hiện liền một lúc 50 ca dương tính nCoV. Ngoài ra, còn 12 chuỗi những ngày qua chưa ghi nhận thêm ca bệnh như nhóm truyền giáo Phục Hưng (596 ca); Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM (104 ca); Xưởng cơ khí Tuấn Tú (Hóc Môn) & Khách sạn Đệ Nhất (69 ca). Riêng về chuỗi lây nhiễm từ các chợ đầu mối, chợ truyền thống, hiện là mối lo lớn nhất của chính quyền TP bởi độ phức tạp của lượng người giao thương và di chuyển tại đây. Cụ thể, đến ngày 25/6, quận Tân Phú ghi nhận 64 ca liên quan đến chợ Sơn Kỳ. Đây là chuỗi lây lớn nhất hiện nay, được phát hiện từ ba ca chỉ điểm vào ngày 20/6, là tiểu thương có liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại chợ đầu mối Hóc Môn.
Chuỗi chợ đầu mối Hóc Môn (chuyên về nông sản thực phẩm) có ca đầu tiên là người bán trái cây, đi khám tại BV Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn ngày 12/6. Từ người này, phát hiện thêm 21 ca; qua điều tra dịch tễ, tìm ra 3 ca là tiểu thương của chợ Sơn Kỳ như nói trên. Tiếp đến là chuỗi lây tại chợ đầu mối Bình Điền (quận 8, chuyên về thủy, hải sản) hiện có 21 ca. Bệnh nhân đầu tiên được phát hiện là nhân viên bốc xếp, ngày 16/6 đi khám sàng lọc tại BV Nguyễn Trãi. Trước đó, tối 23/6, HCDC cũng đã thông báo khẩn tìm người từng đến 3 chợ lớn này. Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn khuyến nghị, TP.HCM cần tính toán, có biện pháp quyết liệt đối với hoạt động của các khu chợ đầu mối, các điểm giao thương, các chợ truyền thống. Theo ông Sơn, thà hy sinh hoạt động trong một thời gian ngắn còn hơn để những nơi này thành những điểm lây nhiễm. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá, kết quả thực hiện Chỉ thị 10 của TP vừa qua có những hiệu quả nhất định, nhưng vẫn cần xem đã phù hợp chưa, có cần nâng áp dụng lên Chỉ thị 16 của Thủ tướng hay không. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, dù biện pháp gì thì không thể cấm lưu thông hàng hóa, làm đứt gãy chuỗi sản xuất. Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong cũng bày tỏ, nơi đáng lo ngại nhất đối với TP là các khu chợ truyền thống, chợ đầu mối, các khu công nghiệp do mức độ tiếp xúc lớn. Từ đó, ông Phong đề nghị các ngành chức năng tính toán, nghiên cứu mô hình luân phiên bán hàng giữa các tiểu thương ở các chợ truyền thống. Với chợ đầu mối, cần phải có phương án cụ thể mới được hoạt động… Xếp hàng san sát chờ tiêm vắc xin, phá vỡ Chỉ thị 10 Theo ghi nhận, liên tiếp 2 ngày (24-25/6), điểm tiêm vắc xin lớn nhất TP tại nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11) rơi vào tình trạng đông đúc, không đảm bảo nguyên tắc 5K và đặc biệt là khoảng cách 1,5m như yêu cầu của Chỉ thị 10.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết ngày 25/6, TP đã có 5 ngày tổ chức tiêm 836.000 liều và có 404.700 người được tiêm. Hiện TP còn 2 ngày nữa để hoàn tất chiến dịch tiêm lần này. Ông Bỉnh cũng nhìn nhận, những ngày đầu còn nhiều thiếu sót, sự phối hợp giữa người tiêm, người đến tiêm khó đảm bảo an ninh trật tự, nhất là tại các điểm tiêm chủng công cộng. Do đó, sự điều phối còn nhiều cập rập. Về việc này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý, TP.HCM không được tái diễn chuyện lộn xộn khi tiêm vắc xin, tập trung hàng ngàn người như vậy là quá đông, rất nguy hiểm.
Trước đó, tại kỳ họp thứ nhất, HĐND TP khóa X ngày 24/6, ngay khi được bầu tiếp tục giữ chức Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong đã cam kết, nhiệm vụ đầu tiên và ưu tiên hàng đầu là khống chế, kiểm soát bằng được đại dịch Covid-19, thực hiện tốt mục tiêu kép. Đồng thời, nhanh chóng ban hành các gói kích thích kinh tế, gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, giúp cho người dân vơi bớt khó khăn, làm cho các doanh nghiệp giảm đến mức thấp nhất tác động bởi dịch bệnh. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo ngày 25/6, ông Phong cho biết, đã 9 ngày liên tiếp TP có số ca nhiễm mới 3 con số và đặt vấn đề, dù đã áp dụng những biện pháp mạnh hơn nhưng tại sao tình hình vẫn phức tạp, số ca bệnh vẫn tăng. Hiện chỉ còn 5 ngày nữa, TP sẽ kết thúc thời gian giãn cách đợt 2, ông Phong yêu cầu các sở, ngành và quận, huyện phải đánh giá lại việc triển khai giãn cách, các giải pháp đã áp dụng và đưa ra những giải pháp mạnh hơn trong 5 ngày tới. Qua đó, làm căn cứ để đến ngày 30/6, TP có thể quyết định có tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách hay không. Ông Phong cũng nhấn mạnh việc trả kết quả xét nghiệm nhanh hơn nữa khi thời gian qua có sự phản ánh về việc chậm có kết quả. Kết quả chậm, sẽ truy vết chậm, không kịp đến diễn biến lây lan dịch. Về công tác tiêm vắc xin, người đứng đầu chính quyền TP yêu cầu cần chấn chỉnh lại công tác tổ chức, không để xảy ra chen chúc, tập trung đông như hai ngày qua. Theo VietnamNet
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|