Giá trị vải thiều Thanh Hà năm 2022 tăng 200 tỷ đồng27/10/2022 - 15:32:00 UBND huyện Thanh Hà vừa cho biết, tổng kết mùa vụ năm nay sản lượng vải thiều đạt 42.060 tấn, tăng khoảng 5.000 tấn so với năm 2021, giá trị sản xuất theo thị trường đạt 1.360 tỷ đồng, tăng 200 tỷ đồng.
Theo UBND huyện Thanh Hà, năm 2022 toàn huyện có trên 3.273 ha vải thiều, trong đó, trà vải sớm khoảng 1.800 ha, trà vải chính vụ khoảng 1.400 ha. Sản lượng vải toàn huyện đạt 42.060 tấn, trong đó vải sớm 30.000 tấn, vải chính vụ 12.060 tấn. Vải sản xuất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường các nước như Nhật Bản, Mỹ, Australia, Anh, Trung Quốc.
Ngoài duy trì 420 ha đã được cấp Giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, UBND huyện Thanh Hà tiếp tục chỉ đạo quy hoạch mở rộng sản xuất thêm 30 ha vải sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, 50 ha vải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, nâng diện tích vải đạt tiêu chuẩn VietGAP 450 ha, diện tích vải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP 101 ha. Theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Thanh Hà, mùa vụ năm 2022, nhờ thời tiết thuận lợi, kết hợp với ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong chăm sóc, cây vải có tỷ lệ ra hoa, đậu quả cao, đạt trên 85%. Bên cạnh đó, chất lượng quả vải tốt hơn, ít bị sâu bệnh, hao hụt sau thu hoạch chiếm tỷ lệ thấp. Đặc biệt, thời điểm thu hoạch năm nay tuy muộn hơn năm trước nhưng kéo dài nên người trồng vải ít bị áp lực về thời vụ. Giá bán vải quả ổn định và tăng so với năm 2021, trong đó, vải sớm bình quân khoảng 35.000đ/kg, vải chính vụ khoảng 20.000 đồng/kg. Về thị trường trong nước, vải thiều Thanh Hà được tiêu thụ chủ yếu tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối nông sản, sàn thương mại điện tử, hội chợ khu vực và một số thành phố lớn... với sản lượng tiêu thụ khoảng 19.800 tấn, chiếm khoảng 45% sản lượng. Đối với thị trường nước ngoài, vải thiều Thanh Hà được xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia, Singapore, EU...
Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Thanh Hà cho hay, thời gian qua, huyện đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả (Bộ NN&PTNT) triển khai nghiên cứu đề tài về sản xuất vải theo hướng hữu cơ tại 2 xã Thanh Thủy, Thanh Khê, với diện tích 3 ha. Huyện cũng đã triển khai một số mô hình liên kết, hỗ trợ sản xuất giữa doanh nghiệp với các hộ dân sản xuất vải tại một số địa phương nhằm nâng cao chất lượng quả vải thiều như: Mô hình liên kết sản xuất 10 ha vải thiều giữa CTCP Ameii Việt Nam với Hợp tác xã Nông nghiệp Ameii Thanh Sơn; Tập đoàn Rồng Lửa hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật phun cho 4 ha vải xã Thanh Xá; Công ty Fusa hỗ trợ phân hữu cơ cho hộ dân xã Thanh Thuỷ… Ngoài ra, các dịch vụ gắn với sản xuất và tiêu thụ vải khá sôi động. Số lượng đàn ong, điểm nuôi ong lấy mật tăng so với năm 2021. Cùng với đó, khách du lịch về thăm quan, trải nghiệm hái và thưởng thức vải cũng tăng cao. Mùa vụ năm nay huyện đã đón hơn 30.000 khách về thăm các vùng vải. Bên cạnh đó, để phát triển và nâng cao giá trị sản xuất vải thiều, huyện Thanh Hà đã chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, mời gọi các doanh nghiệp tích cực vào đầu tư vào nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Mặt khác, tiếp tục làm tốt công tác xây dựng, bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm chủ lực của huyện; chú trọng đầu tư bao bì, nhãn mác đẹp, có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo sự tin tưởng, yên tâm cho khách hàng. Đồng thời, tăng cường các hoạt động giới thiệu, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm vải thiều…
Theo Mekong Asean
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|