Doanh thu bằng 0
Đại diện các doanh nghiệp Thiên Ngân, BHD, CJ CGV và Lotte Cinema nêu khó khăn với Thủ tướng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước. Từ đầu năm nay, hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, phát hành phim gần như tê liệt do phải đóng cửa nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Doanh thu từ hoạt động chiếu và phát hành phim của các doanh nghiệp điện ảnh gần như bằng 0, trong khi vẫn phải gồng gánh các chi phí như tiền thuê mặt bằng, lương và phúc lợi cho nhân viên nhằm góp phần duy trì an sinh xã hội nói chung và ổn định cuộc sống người lao động nói riêng.
“Với tình trạng này dù doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều có thể lâm vào phá sản, kéo theo sự suy thoái của một ngành điện ảnh là điều tất yếu. Các doanh nghiệp điện ảnh kiến nghị Thủ tướng và Bộ ngành có những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp điện ảnh để nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn này”, các đại diện doanh nghiệp điện ảnh nêu.
Chính sách cụ thể mà phía điện ảnh đề xuất gồm một số phương án hỗ trợ nhằm duy trì lao động tránh sa thải hàng loạt (hơn 10.000 lao động trong ngành) bằng việc xem xét cho rạp chiếu phim sớm hoạt động trở lại khi đảm bảo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế, cùng những hỗ trợ giải quyết khủng hoảng về thanh toán cho doanh nghiệp thoát khỏi nguy cơ phá sản, hỗ trợ bình ổn rạp chiếu phim khi rạp hoạt động trở lại.
Kiến nghị hỗ trợ giải quyết khủng hoảng về thanh toán gồm: chính sách hỗ trợ nhằm tái cấu trúc nợ vay, hoặc cấp gói tín dụng ưu đãi mới; cấp tài trợ hoặc gia hạn thời gian nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và phí công đoàn cho tất cả doanh nghiệp điện ảnh đến hết 31/12/2021; giảm 50% thuế giá trị gia tăng doanh nghiệp điện ảnh thu được và hoãn việc nộp thuế giá trị gia tăng phải nộp đến hết 31/12/2021; miễn hoặc giảm thuế thu nhập cá nhân đối với người lao động của các doanh nghiệp điện ảnh; có chính sách vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản tạo điều kiện để các doanh nghiệp cho thuê mặt bằng miễn giảm tiền thuê, phí dịch vụ cho các rạp chiếu phim trong thời gian đóng cửa vì dịch bệnh và ít nhất 6 tháng kể từ khi rạp hoạt động trở lại.
Đại diện các doanh nghiệp này còn kiến nghị Chính phủ “ghi nhận chiếu phim phục vụ giải trí cũng là hoạt động thiết yếu trong thời đại ngày nay. Đặc biệt trong hoàn cảnh khó khăn này càng nên được thúc đẩy nhằm giảm thiểu các chứng bệnh do căng thẳng tâm lý, góp phần giảm áp lực cho ngành y tế”.
Chưa thể coi là thiết yếu
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh nêu quan điểm ủng hộ duy trì hoạt động phát hành phim tại rạp cùng với điều kiện áp dụng nghiêm ngặt biện pháp phòng chống dịch 5K. Rạp phim cũng có thể áp dụng công nghệ để hạn chế tụ tập đông người và tiếp xúc gần giữa khán giả. Trong một số thời điểm dịch bệnh chưa căng thẳng, các rạp được phép duy trì hoạt động với giải pháp ngồi giãn cách, đảm bảo khán giả khử khuẩn, đeo khẩu trang.
“Hoạt động chiếu phim đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, nhu cầu giải trí của người dân. Song trong tình hình dịch bệnh, đây chưa thể coi là hoạt động thiết yếu. Do vậy việc mở cửa lại rạp chiếu phim cũng như các điểm vui chơi công cộng cần tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ và từng địa phương nhằm tích cực, chủ động phòng chống dịch đang diễn biến phức tạp. Các doanh nghiệp điện ảnh cần phối hợp, hỗ trợ các cấp chính quyền phòng chống dịch bệnh và tìm các biện pháp phù hợp để duy trì lực lượng lao động”, ông Thành nói.
Chỉ tính 10 năm từ 2010-2019, thị trường điện ảnh phát triển sôi động. Số rạp phim hiện đại của cả nước tăng từ 90 lên 1.096 phòng chiếu (tăng 1.104%), số lượt xem phim chiếu rạp trên toàn quốc trong 1 năm cũng tăng từ 7 triệu lên 57 triệu lượt (tăng 714%), doanh thu chiếu rạp tăng từ 540 tỷ lên 4.147 tỷ đồng (668%). Số lượng phim Việt tăng từ 14 đến 45 phim mỗi năm. Điện ảnh Việt tạo ra khoảng 10 nghìn việc làm, từng bước góp phần phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Chính vì vậy, lãnh đạo Cục Điện ảnh ủng hộ việc bình ổn hoạt động rạp chiếu phim khi dịch qua đi. “Cục sẽ thực hiện một số biện pháp hỗ trợ khi các rạp mở cửa trở lại bằng các biện pháp phối hợp tuyên truyền kích cầu, tạo điều kiện thẩm định và phân loại phim nhanh hơn để sớm đưa phim ra rạp. Cục có thể làm việc với các địa phương nhằm thúc đẩy hoạt động kích cầu điện ảnh tại các rạp, tổ chức và phối hợp tham gia các sự kiện điện ảnh nhằm thu hút khán giả đến rạp xem phim”, ông Vi Kiến Thành nói.
Xung quanh kiến nghị về tài chính hỗ trợ kinh doanh, lãnh đạo Cục nhắc lại, các biện pháp cụ thể về tài chính như thuế, nguồn vốn, bảo hiểm sẽ do cơ quan quản lý chuyên ngành là Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét thực hiện trên tinh thần Nghị quyết số 30 ngày 10/3/2021 của Chính phủ.