Phải chăng, chúng ta đang “chậm” trong việc giáo dục giới tính cho trẻ? Nhằm làm rõ hơn vấn đề này, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà, Viện nghiên cứu đào tạo và can thiệp tâm lý Việt Nam.
PV: Thưa ThS Vũ Thu Hà, bà có nhận định như thế nào về việc giáo dục giới tính cho trẻ em hiện nay?
ThS Vũ Thu Hà: Chúng ta chưa thực sự quan tâm về giới tính và giáo dục giới tính cho các con. Sự phát triển của internet, của thông tin nên các con thường trao đổi chia sẻ qua các mạng xã hội, nên các con biết về cơ thể, về sự trưởng thành của bản thân mình, có những cảm nhận về rung động, về thích, yêu mến một ai đó. Thế nhưng kiến thức đó không phải kiến thức chuẩn.
Tôi cho rằng không phải bạn nào cũng muốn quan hệ tình dục, nhưng các con hay hùa và làm theo. Ở lứa tuổi này thì việc nhận định đúng hay sai không phải là điều dễ dàng, nên khi thấy các bạn làm thì cũng làm theo mà không biết tới hậu quả của nó.
Nhu cầu tư vấn tâm lý học sinh trong nhà trường cũng có, nhưng chỉ diễn ra ở những bạn trẻ có thói quen bày tỏ hoặc thẳng thắn, thoải mái chia sẻ.
PV: Hiện nay, không ít bạn trẻ tự tìm hiểu về giới tình, tình dục qua các trang mạng xã hội, thậm chí là truyền miệng từ bạn bè. Điều này có thể dẫn tới những hệ lụy gì, thưa chuyên gia?
ThS Vũ Thu Hà: Khi tôi làm việc trong trường, có những câu chuyện như với các bạn nam, khi thủ dâm hay quan hệ tình dục sớm thì thường các bạn cảm thấy lo lắng vì các bạn không hiểu về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thắc mắc mình làm điều đó có được hay không.
Hệ lụy sẽ nhiều hơn đối với bạn gái, đó là hậu quả của việc mang thai sớm. Mang thai sớm mà các bạn giấu diếm sinh con thì các bạn không có khả năng đảm bảo đứa trẻ được nuôi dưỡng. Còn nếu các bạn phá thai, nguy cơ ảnh hưởng rất cao tới bộ phận sinh dục, hoặc phá thai nhiều thì khả năng có con là không có.
Đối với cả nam và nữ nếu quan hệ tình dục không an toàn thì có thể bị viêm nhiễm đường sinh dục. Có những bạn học sinh quan hệ tình dục nhiều mà không biết, thì lớp 7, lớp 8 có những trường hợp các bạn bị giang mai, bị lậu là hoàn toàn có thể xảy ra. Các bạn quá bé để có thể hiểu được các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục hoặc những cơ sở để giải quyết vấn đề này.
Nhiều khi các bạn chịu đựng khi có việc xảy ra, đến đâu thì đến vì ở tuổi này không chín chắn về mặt nhận thức. Vì vậy rất khó để chúng ta nói ra những bất ổn. Đến khi sự việc xảy ra, không thể cứu vãn, không thể sửa chữa thì lúc đấy người lớn mới biết. Khi mà đã muộn màng như thế rồi thì đấy lại là những ám ảnh cả đời.
PV: Theo chuyên gia, để việc giáo dục giới tính thực sự hiệu quả, các bậc phụ huynh và nhà trường cần lưu ý gì?
ThS Vũ Thu Hà: Theo tôi, chúng ta phải hình thành một thói quen là trao đổi chia sẻ với các con. Chủ đề này không phải là chủ đề dễ vì ngay cả bố mẹ cũng đỏ mặt, xấu hổ. Quan trọng là bố mẹ bước qua khó khăn đó, thành thục những kỹ năng trao đổi, giao tiếp với các con. Khi được trao đổi sớm thì các con biết được nên làm gì trong những tình huống cụ thể.
Bố mẹ cần dạy cho các con về những hành động nào được phép và hành động nào không.
Ví dụ như yêu mến một ai đó, việc quan tâm người đó, tặng quà, động viên bạn đó, khuyến khích thúc đẩy học tập thì là tốt. Nhưng nếu lại tập trung vào thỏa mãn những khao khát của chúng ta mà không cần quan tâm tới ai cả thì hoàn toàn không đúng.
Việc trao đổi, giáo dục về sức khỏe sinh sản không chỉ là ngăn cấm điều này, ngăn cấm điều kia mà chúng ta giải thích, giãi bày để các con hiểu bản chất thật sự của mối quan hệ tình cảm.
Về phía nhà trường thì trước hết là có những buổi truyền thông về sức khỏe sinh sản vị thành niên. Chúng ta xã hội hóa theo các lớp, mời giáo viên hoặc mời chuyên gia nói về sức khỏe sinh sản vị thành niên trong những chuyên đề sinh hoạt lớp. Ngoài ra có những cuộc thi hay có phòng tâm lý học đường.
Ở phòng tâm lý học đường thì các con có thể chia sẻ những câu chuyện này thì các thầy cô sẽ lắng nghe, thì các thầy cô sẽ hỗ trợ các con để tìm hiểu sức khỏe sinh sản. Những hoạt động như thế có thể hỗ trợ các con hiểu biết vấn đề, hiểu được bản thân và trưởng thành đúng hướng.
PV: Xin cảm ơn bà./.