Giáo sư Lê Văn Lan: Nói mỗi người có 70 vong theo là nhảm nhí!01/04/2021 - 16:25:00 Trao đổi tại buổi tọa đàm “Thực hành tâm linh: Cách nào tránh u mê?” do báo Đại Đoàn Kết tổ chức, Giáo sư Lê Văn Lan cho biết quan điểm về vong, trục vong là sản phẩm từ thời trung cổ. Việc truyền bá và gieo rắc thông tin mỗi người có 70 vong theo là nhảm nhí và cần phải xử lý.Giáo sư Lê Văn Lan cho hay, ông đã nhiều lần nói chuyện vong theo, giải vong áp vong chuyện tầm phào, nhảm nhí. Nó là từ xã hội nguyên thủy, khi con người mới sơ khai, và sáng tạo ra cái gọi là vong. Nhưng sau hơn 4 nghìn năm phát triển của nhân loại, cái chuyện gọi là vong đã cổ hủ và không thích hợp. “Thế mà ở cuốn “Pháo bảo” của CLB Tình Người lại chi tiết cụ thể hóa, mỗi người có đến 70 vong. Như vậy, cả nhân loại có vài tỷ người mà nhân lên 70 vong thì vong chất vào đâu. Lại có chuyện địa ngục đang mở vong trèo lên thế giới và làm hại người”, Giáo sư Lê Văn Lan nói. Theo giáo sư Lê Văn Lan, việc nói về cửa địa ngục mở, rồi vong lên trần là đe dọa người khác. “Tội lỗi ở chỗ nó làm cho người ta khiếp nhược. Khiếp nhược của người nguyên thủy không thể là nỗi khiếp nhược của người hiện đại. Huống chi người ta còn dùng cả từ mạt, mạt pháp. Nếu dùng đến mạt vật tức là anh chạm tới quốc gia, xã hội và tới thời đại. Tôi không hiểu tại sao những cơ quan có trách nhiệm lại để xảy ra chuyện phỉ báng thời đại mà lại mang tính đe dọa người dân” giáo sư nói và kiến nghị "cơ quan có trách nhiệm phải hành động ngay để chấm dứt việc này". Lý giải sâu hơn về việc vì sao những quan điểm vong, quỷ vẫn tồn tại cho tới ngày nay, giáo sư Lê Văn Lan cho hay, một số nhà sử học đã có những công trình nghiên cứu và phát hiện được ra một điều có tính quy luật của lịch sử Việt Nam, đó là từng lát cắt thời gian, khi thì ta gọi lát cắt hiện đại, khi thì cận đại và trước đó là trung nghiên cứu từ thời đại này, sang thời đại kia, người ta đã làm một cách dứt khoát. Tuy nhiên, Việt Nam rất khác, những gì từ thời cận đại vẫn tồn tại trong lát cắt hiện đại. Những vấn đề thực thể từ thời trung cổ, vẫn tồn tại trong lát cắt hiện đại. Những chuyện ở thời nguyên thủy vẫn tồn tại như thế. Đấy là đặc điểm phát triển có tính quy luật của Việt Nam. Đó là lý giải vì sao, ở thời hiện đại rồi mà vẫn còn cúng vong, trục vong, giải nghiệp. Đó là sản phẩm từ thời trung cổ, thậm chí từ thời nguyên thủy. Như vậy bóng của quá khứ vẫn đè nặng lên thời sau này. Ở Việt Nam điều này hết sức rõ ràng. Vấn đề ở đây là vì sao hiện đại rồi, tức là văn minh, khoa học, tư duy là lý trí, về mặt lối sống là cân bằng và đầy đủ các yếu tố nhưng một số người vẫn không hoàn toàn là người hiện đại. Trong cấu trúc của những người như thế, quá khứ ám ảnh rất nặng. Đấy là đặc điểm của con người hiện đại nhưng không hoàn toàn hiện đại. Người trẻ có thể nhảy rock, hát rap nhưng tư duy, thế giới tâm linh vẫn bị những hình ảnh, vấn đề, tập tục từ thời quá khứ, thậm chí từ thời rất xa nguyên thủy. Những gì chúng ta gọi là hồn, vía, không phải là thời bây giờ. Nhưng những người hiện đại trong căn cốt của mình vẫn không thoát ra khỏi cái bóng của quá khứ. Ở xã hội hiện đại, theo xu hướng đúng của hiện đại đời sống vật chất rất quan trọng. Muốn tạo ra đời sống vật chất sang trọng, thì người ta lại sống như thời thế giới hình thành chủ nghĩa tư bản. Ở đó chỉ có lợi nhuận và lợi nhuận. Vì vậy, cần vai trò của cơ quan quản lý văn hóa xã hội. Một thời chúng ta làm rất chặt chẽ, nghiêm khắc. Nhưng hiện nay lại xuất hiện nhiều bất cập. Vì vậy, để trở lại thế cân bằng thì cần phải nâng trình độ dân trí, tùy thuộc vào chúng ta đưa vào trình độ dân trí vào mức nào. Tức là nâng trình độ dân trí. Đặt sự phù hợp trong tâm tức, tâm thế của từng người, trong từng cộng đồng, là sáng suốt, bình tĩnh, chủ động thì sẽ tránh sự mê muội. Mê muội ứng vào niềm tin sẽ là mê tín. Với mong muốn cung cấp kiến thức và đem lại nhận thức đúng đắn hơn về văn hóa tín ngưỡng và tôn giáo, đúng 9h30 ngày 1/4, báo Đại Đoàn Kết tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến: “Thực hành tâm linh: Cách nào tránh u mê?” tại Hội trường báo Đại Đoàn kết, 66 Bà Triệu, Hà Nội, dưới sự chủ trì của Nhà báo Lê Anh Đạt, Phó Tổng Biên tập phụ trách báo Đại Đoàn kết, cùng sự có mặt của các khách mời: Giáo sư sử học Lê Văn Lan, một nhà nghiên cứu văn hóa có uy tín trong xã hội; Thượng tọa Thích Minh Quang - Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chánh văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam Phó trụ trì thường trực chùa Bái Đính -Tam Chúc; Đại tá, Tiến sĩ luật học Lê Ngọc Khánh - Cán bộ cao cấp của Công ty luật TGS; Ông Nguyễn Văn Tưởng - Chủ tịch Công ty Trầm Hương Khánh Hòa – ATC. Tọa đàm được truyền hình trực tiếp trên báo điện tử Đại Đoàn Kết (daidoanket.vn) và fanpage của Báo trên Facebook. Buổi tọa đàm đã tiếp cận hơn 40.000 lượt tiếp cận và nhận được hàng trăm câu hỏi của độc giả. Theo Đại đoàn kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|