Để có thể dành được điểm số cao ở các môn thi nói chung và môn Tiếng Anh nói riêng, cô Nguyễn Thị Thanh Hương, giáo viên môn tiếng Anh, hệ thống giáo dục HOCMAI lưu ý thí sinh cần chuẩn bị tốt 3 yếu tố: Thứ nhất kiến thức về ngữ pháp, từ vựng chắc chắn; Thứ hai phương pháp, kỹ năng làm bài hiệu quả và thứ ba tâm thế quyết tâm, nỗ lực đến cùng để giải quyết vấn đề và hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Về mặt kiến thức, theo cô Nguyễn Thị Thanh Hương, thí sinh cần rà soát một lượt các phần kiến thức trọng tâm, các câu hỏi ở phần ngữ pháp: Kiến thức về thì, bị động, so sánh, giản lược mệnh đề, giới từ, liên từ, mạo từ, câu hỏi đuôi, trực tiếp-gián tiếp…
"Đây là những phần dễ giành được điểm. Thí sinh cần xem kỹ lại phần tổng hợp kiến thức, những lưu ý của các chuyên đề và đọc thật kĩ câu hỏi để có những câu trả lời chính xác nhất", cô Hương nói.
Bên cạnh đó dạng bài trọng âm, phát âm, viết lại câu, nối câu, chức năng giao tiếp cũng rất vừa sức nên cô Hương cho rằng học sinh hoàn toàn có thể lấy lấy trọn vẹn điểm những phần này.
Về kỹ năng làm bài, bên cạnh những kỹ năng cụ thể của từng dạng mà thí sinh tích lũy được trong quá trình học tập và giải quyết các đề thi tập dượt, Hương khuyên thí sinh luôn bắt đầu làm từ các câu dễ hoặc các dạng bài thế mạnh của mỗi em. Điều đó sẽ giúp các em tự tin hơn.
"Điểm số mỗi câu là như nhau, các câu mất 5-10 giây để làm cũng bằng câu mất 5-10 phút, nên hãy luôn cẩn thận, chắt chiu từng câu một. Đừng cẩu thả hay sa lầy mất thời gian ở các câu khó. Bên cạnh đó, các em phải có chiến lược thời gian làm hiệu quả và sát sao để có thể đạt điểm cao", cô Hương lưu ý.
Cũng theo cô Nguyễn Thị Thu Hương, thí sinh nên chia 1/2 số thời gian đầu tiên để làm các dạng bài trắc nghiệm với hình thức câu ngắn với trung bình 30 giây/ câu, tối đa là 1 phút cho câu khó và dài; 1/2 thời gian còn lại làm bài đọc điền và 2 bài đọc hiểu. Mỗi một nửa luôn chừa lại 1 chút thời gian để kiểm tra đáp án, từ đó tránh các lỗi sai đáng tiếc.
Mỗi học sinh có điểm mạnh và yếu riêng nên phần mất điểm cũng có thể rơi ở các phần khác nhau. Nhưng cô Hương cho rằng, thí sinh cần đọc kĩ đề bài tránh làm sai yêu cầu đề bài. Đọc hiểu tuy khó với một số học sinh về độ dài và độ khó, nhưng không phải câu nào cũng hóc búa, nên thí sinh hãy kiên nhẫn và quyết tâm đọc kỹ thông tin để tìm câu trả lời đúng.
Cuối cùng, về tâm thế làm bài, dù mỗi thí sinh có mục tiêu điểm số khác nhau nhưng cần nỗ lực và quyết tâm hết mình để đạt được.
"Thời gian này, các em tránh học quá sức, hay quá áp lực. Các em phân bổ thời gian ôn tập nhẹ nhàng, vừa sức, ngủ đủ 6-8 tiếng và vận động, chơi thể thao để có được một thể lực và trạng thái tinh thần tốt nhất", cô Nguyễn Thị Thanh Hương nhắn nhủ.
Theo lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được Bộ GD-ĐT công bố, thí sinh sẽ làm thủ tục dự thi vào ngày 27/6, làm bài thi Toán và Ngữ văn hôm 28/6.
Ngày 29/6, thí sinh thi Ngoại ngữ và một trong hai bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân với giáo dục phổ thông; hoặc Lịch sử, Địa lý với giáo dục thường xuyên)./.