Ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm trong thời gian giãn cách xã hội (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: BT) |
Giá nhiều sản phẩm chăn nuôi giảm
Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đã có nhiều tác động lên ngành chăn nuôi, làm đứt gẫy hàng loạt các chuỗi sản xuất, cung ứng của ngành, đồng thời, tác động làm giá nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao, đặc biệt là thức ăn tăng 16-36%, trong khi đó giá sản phẩm đầu ra rất thấp, có giai đoạn có loại vật nuôi chỉ bán được 25-30% giá thành như gà công nghiệp lông trắng. Nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động, chi phí sản xuất tăng, khâu lưu thông bị gián đoạn, nhu cầu thị trường giảm nên các cơ sở chăn nuôi gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, lượng vật nuôi tồn đọng trong chuồng cao, tăng nguy cơ thua lỗ. Chỉ có các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, cung cấp các kênh phân phối như: siêu thị, hệ thống cửa hàng bán lẻ hiện đại vẫn đảm bảo tiêu thụ, giá bán được duy trì với mức ổn định.
Cụ thể, với chăn nuôi lợn, trong 9 tháng năm 2021, giá thịt lợn hơi xuất chuồng theo xu hướng giảm từ tháng 3, 4 (giá bình quân khoảng 70.000-75.000đồng/kg) đến tháng 7, 8/2021 (giá bình quân từ 50.000-58.000 đồng/kg, có địa phương xuống dưới 50.000 đồng/kg). Sang tháng 9/2021 giá tiếp tục giảm, tính đến thời điểm hiện tại, giá bình quân đang dao động từ 40.000-49.000 đồng/kg tùy từng vùng, đặc biệt có một số địa phương do giãn cách xã hội giá xuống dưới 40 nghìn đồng/kg, lợn thịt quá lứa đang ứ đọng khoảng 30%.
Trong khi đó, giá thành sản xuất nếu chăn nuôi theo chuỗi từ nuôi lợn nái đến nuôi lợn thịt giá thành khoảng 45.000-50.000 đồng/kg; chăn nuôi phải mua con giống giá thành khoảng từ 53.000-60.000 đồng/kg. Như vậy với mức giá lợn hơi trên thị trường hiện nay thì người chăn nuôi không còn thu được lợi nhuận như các tháng đầu năm 2021. Mặc dù giá lợn hơi giảm mạnh nhưng giá thịt lợn tại các cửa hàng thịt, các chợ truyền thống và các siêu thị vẫn cao do các chi phí liên quan đồng loạt tăng, đặc biệt là chi phí vận chuyển và chi phí phòng, chống dịch.
Trong khi đó, đối với giá sản phẩm gia cầm, riêng giá gà công nghiệp trắng giai đoạn tháng 7, 8 các tỉnh phía Bắc khoảng 15-20 nghìn đồng/kg; các tỉnh phía Nam 6-10 nghìn đg/kg. Những ngày gần đây các tỉnh phía Bắc lên trên 25 nghìn đồng/kg, các tỉnh phía Nam 18-22 nghìn đồng/kg.
Thực tế, do ảnh hưởng bởi dịch COVID- 19, khó khăn trong vận chuyển, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm giảm nhiều, nhất là khối khu công nghiệp, trường học, bếp ăn tập thể, khách sạn, nhà hàng, đặc biệt là tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Vì vậy, sản phẩm chăn nuôi ứ đọng quá tuổi. Đặc biệt các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, các doanh nghiệp chăn nuôi chỉ tiêu thụ được 5-10% gà công nghiệp trắng, gà lông màu và lợn tiêu thụ được khoảng 70%.
Chia sẻ về những khó khăn của ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNN) cho biết, ngành chăn nuôi trong bối cảnh vừa qua gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài việc đứt gãy một loạt chuỗi cung ứng, giá thức ăn chăn nuôi tăng còn là việc 19 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ đều giãn cách nên nhu cầu sản phẩm chăn nuôi giảm tới 30% nên có sự dư thừa. Do vậy, giá thịt lợn hơi xuất chuồng và giá bán gà công nghiệp giảm, người chăn nuôi gặp khó khăn, thiếu vốn. Ông Trọng cũng nhấn mạnh, nếu chúng ta không chủ động cho nguồn cung chăn nuôi sẽ dẫn đến việc thiếu cục bộ trong cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán.
Đa dạng hoá các kênh phân phối sản phẩm chăn nuôi
Theo kế hoạch sản xuất năm 2021, ngành chăn nuôi phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt khoảng 5-6%. Sản lượng thịt các loại khoảng 6,2 triệu tấn, trong đó, thịt lợn đạt khoảng 3,82 triệu tấn (tăng 6,1%), thịt gia cầm đạt khoảng 1,7 triệu tấn (tăng 5,8%), thịt gia súc ăn cỏ đạt khoảng 0,68 triệu tấn (tăng 6%), sản lượng trứng khoảng 16 tỷ quả (tăng 7,5%), sản lượng sữa khoảng 1,2 triệu tấn (tăng 11,5%).
Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu đã đề ra, cần có những giải pháp cần được thúc đẩy triển khai thực hiện. Ông Nguyễn Văn Trọng cho rằng, cần tăng cường thực hiện liên kết chuỗi để tiết kiệm đầu vào, giảm giá thành,… Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nếu chủ động kiểm soát được dịch bệnh trên người và trên gia súc, gia cầm, chăn nuôi sẽ chủ động được nguồn thực phẩm phục vụ trong nước và sẽ không ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ sản phẩm của người chăn nuôi.
Ngoài ra, để đảm bảo được nguồn cung, Cục Chăn nuôi đề nghị các địa phương đã khống chế được dịch COVID-19 cần đẩy mạnh phát triển sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu để hỗ trợ và bù đắp lại phần thiếu hụt cho các tỉnh phía Nam khi dịch COVID-19 chưa được khống chế.
Tiếp tục khôi phục, tăng đàn lợn, ổn định phát triển đàn gia cầm, gia súc ăn cỏ và phát triển một số loại vật nuôi lợi thế trong điều kiện có dịch COVID-19 và sau dịch. Khẩn trương phát triển chăn nuôi để phục vụ tiêu dùng gia tăng trong những tháng cuối năm 2021 và nhất là nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tăng từ 10-12% trước, trong và sau dịp tết Nguyên Đán 2022.
Cục Chăn nuôi khuyến cáo cần tăng cường chỉ đạo triển khai mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt trên các đối tượng vật nuôi, nhất là đối với chăn nuôi lợn. Tăng cường chăn nuôi theo hướng hữu cơ trong chuỗi nông nghiệp tuần hoàn. Tăng cường sản xuất theo chuỗi sản phẩm cho cơ sở chăn nuôi, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, chế biến sâu để nâng cao giá trị.
Đi cùng với đó, tăng cường năng lực sản xuất giống tại chỗ, nâng cao năng lực kiểm soát chất lượng con giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi. Chỉ đạo tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước, nguồn phụ phẩm của nông – lâm – nghiệp để chủ động một phần thức ăn trong nước, giảm giá thành sản phẩm, đặc biệt là gia súc ăn cỏ và gia cầm. Các hộ chăn nuôi tăng cường xây dựng liên kết thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác,...để tiếp cận vào chuỗi của các doanh nghiệp, chủ động tiêu thụ sản phẩm và cân đối cung - cầu.
Đặc biệt, về vấn đề lưu thông, Cục Chăn nuôi cho rằng, cần đa dạng hoá kênh phân phối sản phẩm chăn nuôi, trong đó, phát triển mạnh các sàn thương mại điện tử nhằm giảm áp lực kênh phân phối là siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Xây dựng quy định về việc thu mua, giết mổ, chế biến và dự trữ thịt gà, thịt lợn khi ứ đọng, chậm tiêu thụ do cung vượt cầu, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… nhằm giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi, tham gia điều tiết thị trường, góp phần bảo vệ người tiêu dùng và chủ động điều hành sản xuất trong nước và lộ trình nhập khẩu thịt hàng năm.
Đáng chú ý, để ngành chăn nuôi hoàn thành kế hoạch sản xuất trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, đảm bảo chủ động nguồn cung thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu những tháng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, ngành Chăn nuôi kiến nghị Chính phủ xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 và 6 tháng năm 2022; giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào; giảm thuế bảo vệ môi trường. Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng; giảm tiền thuê đất của năm 2021-2022 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Đồng thời, xem xét gói hỗ trợ để khôi phục sản xuất đối với nông dân trực tiếp sản xuất gặp khó khăn do COVID-19 đối với các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.
Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo, phối hợp với địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tập trung, liên kết chặt chẽ với các vùng nguyên liệu, đẩy mạnh chế biến, chế biến sâu, bảo quản, nâng cao giá trị gia tăng. Thúc đẩy sản xuất theo chuỗi sản phẩm, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm. Phối hợp các chuỗi phân phối trong nước, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh quảng bá trực tuyến tiêu thụ trong nước, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm tại địa phương trong điều kiện dịch COVID-19. Đồng thời, phối hợp với các Bộ liên quan để thúc đẩy mở cửa thị trường đối với một số sản phẩm của chăn nuôi./.