Gốc của văn hóa mới là dân tộc25/11/2021 - 15:34:00 Ảnh minh họa/INT
Bác Hồ đã mở đường xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam, chăm lo phát triển đạo đức và xây dựng con người. Người cũng là hiện thân tiêu biểu nhất của sự kết hợp kế thừa truyền thống văn hóa của dân tộc, với việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, kết hợp tính dân tộc với tính nhân loại trong văn hóa. Tư tưởng “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” mà Bác Hồ đề ra từ 75 năm trước, đến nay vẫn nguyên giá trị. Trong hành động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam kiên quyết kháng chiến chống thực dân Pháp, nhưng không chống lại những giá trị văn hóa của nhân dân Pháp, chống đế quốc Mỹ nhưng trân trọng những truyền thống văn hóa - cách mạng Mỹ. Giá trị văn hóa mà Người đề ra, không chỉ mang tính phổ quát, mà hàm chứa ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó là sự khoan dung, tình yêu thương bác ái: “Tuy phong tục mỗi dân mỗi khác, nhưng có một điều thì dân nào cũng giống nhau: Ấy là dân nào cũng ưa sự lành và ghét sự dữ”. Trên nền vững chắc của văn hóa dân tộc để chiếm lĩnh giá trị văn hóa bên ngoài. Khi xác định đường lối phát triển cho nền văn hóa mới Việt Nam, Bác Hồ nêu rõ: “…phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới, để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng”. Những nét khác biệt của văn hóa Việt Nam so với các nền văn hóa khác, đó cũng là những nét khác biệt của dân tộc Việt Nam so với các dân tộc khác. Người căn dặn: Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Đồng thời, Người yêu cầu phải phát huy hết cốt cách dân tộc, để cổ vũ đồng bào ta, để giáo dục con cháu ta. Yếu tố dân tộc làm nên bản sắc của nền văn hóa, và Bác Hồ đã khẳng định “Gốc của văn hóa mới là dân tộc”. Phải “trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam, phải lột cho hết tinh thần dân tộc”, “Nếu dân tộc hóa mà phát triển đến cực điểm thì tức là đến chỗ thế giới hóa nó, vì lúc bấy giờ văn hóa thế giới sẽ phải chú ý đến văn hóa của mình và văn hóa của mình sẽ chiếm được vị trí ngang với các nền văn hóa thế giới”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao các giá trị truyền thống. Theo Người, một nền văn hóa cách mạng có sức sống phải gắn bó với sứ mệnh lịch sử của dân tộc, tình cảm dân tộc, các phong tục tập quán của dân tộc... Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 được khai mạc ngày 24/11 tại Hội trường Diên Hồng, nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua. Kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021 - 2026, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị được kỳ vọng sẽ khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc, mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Theo Giáo dục & Thời đại
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|