Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng hỗ trợ dành cho doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do COVID-19 với tổng trị giá dự kiến trên 27.300 tỷ đồng. Trong bối cảnh dịch diễn biến ngày càng phức tạp, gói hỗ trợ này càng được đặt nhiều kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn.
Phóng viên báo VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam xung quanh vấn đề làm thể nào để xác định đúng và đủ các đối tượng cần được hỗ trợ trong gói hỗ trợ mới của Chính phủ.
Chính sách tốt nhưng thực thi chưa trọn vẹn
- Ông đánh giá thế nào về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khó khăn do COVID-19 năm 2020 và bài học kinh nghiệm cho hỗ trợ lần thứ hai đang được đề xuất?
Ông Phạm Quang Tú: Tôi đánh giá cao chính sách hỗ trợ đối với những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 năm 2020 của Chính phủ rất kịp thời. Tuy nhiên, quá trình triển khai gói hỗ trợ này cũng đã bộc lộ một số những bất cập, vướng mắc.
Theo đánh giá của Oxfam thì có nhiều đối tượng đã đưa ra trong gói hỗ trợ nhưng không thể triển khai được trong thực tế. Đây là điều rất đáng tiếc khi một chủ trương, chính sách tốt của Nhà nước nhưng không được triển khai một cách trọn vẹn, những đối tượng đáng lẽ được hưởng thì lại vẫn chưa được hưởng. Đánh giá của cơ quan Nhà nước cũng cho thấy việc giải ngân gói hỗ trợ thấp, thì chỉ đạt khoảng 22%.
Từ thực tế đó, tôi hy vọng gói hỗ trợ an sinh xã hội lần hai sắp tới sẽ rút được bài học kinh nghiệm từ gói hỗ trợ lần một để triển khai tốt hơn. Theo tôi phải nhìn nhận lại được những nguyên nhân dẫn đến việc triển khai gói hỗ trợ không thành công.
Một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến việc triển khai chưa được như mong đợi chính là tiêu chí xét đối tượng. Đối tượng rộng nhưng tiêu chí lại quá chặt chẽ, rất khó xác định.
Ví dụ như lao động phi chính thức, nhập cư từ nông thôn ra thành thị phải có tạm trú mới nhận được hỗ trợ nhưng đặc điểm của nhóm đối tượng này là di chuyển trong thành phố và từ thành phố đến nông thôn rất thường xuyên, vì thế họ thường thực hiện tạm trú không đầy đủ. Quy định phải có tạm trú đã là trở ngại đối với công tác chi trả hỗ trợ cho người lao động nhập cư. Một nhóm nữa là nhóm nông dân có nông sản bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng chưa có quy định hỗ trợ rõ ràng.
- Trong dự thảo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về gói hỗ trợ lần thứ hai, đa số các chính sách hỗ trợ người lao động được xây dựng dựa trên các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm ốm đau... ông đánh giá thế nào về cách xây dựng chính sách này?
Ông Phạm Quang Tú: Theo tôi nếu chính sách chỉ tập trung vào các nhóm đã tham gia các chính sách an sinh xã hội thì sẽ không đủ vì về nguyên tắc ít nhiều nhóm đối tượng có những hỗ trợ từ mạng lưới an sinh xã hội của bảo hiểm. Vì vậy, trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh này đáng lẽ ra những người không tham gia bảo hiểm phải là những người cần được hỗ trợ hơn cả.
Một trong những nguyên tắc bao trùm là khi thiên tai, dịch bệnh thì tất cả những người bị ảnh hưởng và bị ảnh hưởng nặng nề nhất, khó khăn nhất. Vậy thì chính sách không thể gói gọn trong các chính sách an sinh xã hội thì sẽ không hoàn toàn đầy đủ.
Tác động lớn hơn nhưng hỗ trợ lại hẹp hơn
- Vậy theo ông việc xác định các đối tượng cần được hỗ trợ khi xây dựng gói hỗ trợ lần thứ hai cần được thực hiện như thế nào?
Ông Phạm Quang Tú: Trong đợt dịch lần này mặc dù doanh nghiệp và người dẫn đã có sự chuẩn bị nhưng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, chúng tôi đánh giá cao việc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ động đề xuất tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ của Chính phủ. Tuy nhiên, ngoài các chính sách hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em bị nhiễm, bị cách ly, hỗ trợ Bắc Giang, Bắc Ninh… thì phần lớn gói hỗ trợ tập trung vào doanh nghiệp bị ảnh hưởng và chủ yếu là người lao động bị ngừng việc, mất việc của những doanh nghiệp này. Theo tôi các đối tượng này đúng nhưng lại không đủ.
Mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh càng lớn thì đối tượng cần hỗ trợ sẽ ngày càng rộng hơn, do vậy nhóm đối tượng sẽ rộng hơn. Thế nhưng hiện nay chúng ta đang đi ngược lại là trong gói hỗ trợ mới đối tượng hưởng hỗ trợ lại hẹp hơn.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đề xuất một gói hỗ trợ mới nhanh và đơn giản để chính sách này kịp thời đến với người cần hỗ trợ. Thế nhưng, mặt không tích cực của chính sách lần này là có những bộ phận khác gặp khó khăn, ảnh hưởng nhiều nhưng lại chưa được hỗ trợ.
Trong khi nguyên tắc hỗ trợ trong thiên tai, dịch bệnh là phải đảm bảo bình đẳng, ai bị ảnh hưởng thì Nhà nước phải có hỗ trợ cho họ. Trong gói chính sách mới, đối tượng có thể đúng nhưng chưa đủ và chưa công bằng.
- Để hỗ trợ đúng và đủ thì chính sách hỗ trợ bằng tiền mặt cần hướng đến những đối tượng nào, thưa ông?
Ông Phạm Quang Tú: Chúng ta cần phải xác định việc hỗ trợ bằng tiền mặt hướng đến ai? Chính sách này phải hướng đến những người bị ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề nhất và những người không có tiết kiệm dự phòng trong gia đình họ, ảnh hưởng tiêu cực đại dịch khiến họ không còn đường sống.
Tôi đề nghị bổ sung thêm đối tượng được hưởng hỗ trợ trong gói lần thứ hai này bổ sung thêm hai nhóm đối tượng: Nhóm lao động nhập cư, lao động phi chính đang là những người khó khăn hơn rất nhiều so với lao động đã có hợp đồng lao động với doanh nghiệp và nhóm nông dân ở các vùng có dịch, bị cách ly nên các sản phẩm nông sản của họ gặp khó khăn khi tiêu thụ.
Hiện nay, lao động phi chính thức là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất, nặng nề nhất nhưng do đặc thù công việc, hệ thống cơ quan Nhà nước hiện nay chưa quản lý nhóm này nên họ là những người lao động rất dễ bị ra ngoài rìa của chính sách hỗ trợ, trong khi họ đang cần được hỗ trợ nhất.
Hai nhóm này có thể khó trong xác định để triển khai hỗ trợ nên tiêu chí cần không quá phức tạp, khó khăn trong xét đối tượng. Đặc biệt, chúng ta cần tối đa hóa giao cho chính quyền địa phương chủ động xác định đối tượng và có sự tham gia của các bên liên quan.
Ở góc độ nào đó việc triển khai chính sách thì cơ quan thực thi muốn làm nhanh, kịp thời. Nhưng trong thiên tai, dịch bệnh phương thức hỗ trợ phải khác với việc quản lý những đối tượng có sẵn.
Phải xác định ai là người bị ảnh hưởng trực tiếp, gặp khó khăn nhiều nhất thì phải được hỗ trợ. Việc xác định, tiêu chí là trách nhiệm của Nhà nước chứ không phải chỉ chọn cách dễ là những hộ đã có danh sách như người có công với cách mạng, hộ nghèo, lao động có hợp đồng lao động.... Những đối tượng này đã có danh sách sẵn, dễ dàng triển khai chính sách nhưng chưa phải là đối tượng cần được hỗ trợ nhất vì đối tượng này thông thường có tiền trợ cấp hàng tháng hoặc được hỗ trợ ít nhiều từ các chính sách bảo hiểm nên trong dịch bệnh cuộc sống của họ có thể vất vả hơn nhưng không đến nỗi cùng cực.
- Đối tượng mở rộng cũng kéo theo những lo ngại về việc xảy ra hiện tượng trục lợi, theo ông cần có giải pháp nào để hạn chế tình trạng này?
Ông Phạm Quang Tú: Có hai giải pháp đảm bảo trục lợi giảm thiểu. Đó là phải có sự kiểm tra chéo các bên, từ người làm chính sách đến những người quản lý cư dân địa phương như trưởng thôn, công an khu vực và người dân. Người hưởng trực tiếp họ biết nhau nên khi xác định danh sách cần được thảo luận thông qua các bên liên quan, đồng thời phải niêm yết công khai danh sách sẽ biết ai đúng, ai không đúng đối tượng. Nếu không thảo luận, kiểm tra chéo, công khai minh bạch thì rõ ràng nguy cơ trục lợi cao hơn.
Bên cạnh đó, chúng ta cần phải có chế tài bổ sung để xử phạt các hành vi tham ô, tham nhũng, vi phạm để kịp thời răn đe.
Triển khai tốt các giải pháp này thì Chính phủ sẽ tự tin hơn khi mở rộng chính sách đến các đối tượng thực sự khó khăn.
- Xin cảm ơn ông!