120.000 tỷ đồng, giải ngân chưa đến 1%
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó đã có 8 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng, chưa đến 1%. Cụ thể, ngân hàng BIDV đã giải ngân cho 3 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Dương với số tiền 95,7 tỷ đồng; Vietinbank đã giải ngân cho 1 chủ đầu tư dự án tại tỉnh An Giang với số tiền l.128,6 tỷ đồng; Agribank đã giải ngân cho 4 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh và Kiên Giang với số tiền l.415,7 tỷ đồng.
Ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank), có thêm TPbank tham gia chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết số 33 với số tiền khoảng 5.000 tỷ đồng.
Nhiều ý kiến cho rằng, để gói vay 120.000 tỷ đồng thực sự đi vào đời sống, cần khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, thủ tục đầu tư dự án. Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung bố trí quỹ đất, sớm công bố danh mục các dự án để những đối tượng thụ hưởng có thể tiếp cận vốn vay.
Trong báo cáo gửi Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề, chất vấn lĩnh vực xây dựng, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá, việc triển khai gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33 bước đầu đã có kết quả. Tuy nhiên, việc giải ngân còn chậm. Việc công bố danh mục nhà ở xã hội đủ điều kiện vay còn hạn chế. Đến nay đã có 129 dự án nhà ở xã hội với quy mô 114.934 căn được khởi công xây dựng. Tuy nhiên, mới chỉ có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Như vậy, còn 59 dự án đã khởi công nhưng chưa được đưa vào danh mục đủ điều kiện vay của các địa phương.
Ngoài ra, giải ngân chậm do một số chủ đầu tư không đủ điều kiện về tín dụng, không đảm bảo điều kiện dư nợ tín dụng; không có tài sản khác để thực hiện đảm bảo tín dụng (dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nên không đủ điều kiện thế chấp); đã vay tại các tổ chức tín dụng khác…
Lãi suất và thời gian vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội chưa hấp dẫn. Ảnh: Như Ý. |
Dù Ngân hàng Nhà nước đã hai lần hạ lãi suất, còn 8% với chủ đầu tư và 7,5% với người mua nhà nhưng lãi suất cao, thời hạn ưu đãi lại ngắn, trong vòng 3-5 năm nên “chưa thực sự thu hút người vay”.
Cần xem lại chính sách
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết, chúng ta chỉ sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ lãi suất chứ không sử dụng nguồn này cho vay. Chúng ta nên tránh áp đặt vào các quy định hành chính vì có thể nảy sinh những rủi ro. Với nguồn tín dụng này, nên xem xét trên cả yếu tố liên quan đến quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc cấp tín dụng cũng như hỗ trợ lãi suất.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đây chỉ là một gói tín dụng mang tính tự nguyện nên tính pháp lý không cao. Mức giảm lãi suất công bố 1,5% với chủ đầu tư và 2% với người mua nhà nhưng trên thực tế lãi cho vay vẫn còn khá cao, chưa đủ để hấp dẫn. Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng phù hợp với điều kiện thực tiễn trong từng giai đoạn.
“Với các cá nhân được hưởng ưu đãi của gói 120.000 tỷ đồng mua nhà ở xã hội, cần quy định rõ bao nhiêu điều kiện, những điều kiện đó là gì, thời hạn vay ra sao, mức độ vay thế nào? Nếu thời hạn vay kéo dài từ 20 đến 25 năm được giảm lãi suất là một khoản lớn, nhưng chỉ áp dụng 3- 5 năm thì không được bao nhiêu”, ông Thịnh nói.