Trước đó, dù không thực hiện giãn cách nhưng Hà Nội đã cấm tất cả các hoạt động tập trung đông người, dịch vụ bar, karaoke… Tuy nhiên, trên thực tế, tại nhiều nhà hàng ăn uống, người dân vẫn tụ tập ăn uống khá đông, còn tại siêu thị hay trung tâm thương mại, lượng người đổ về vui chơi, mua sắm nườm nượp (nhất là vào những ngày cuối tuần).
Mặc dù phần lớn người dân đều chấp hành việc đeo khẩu trang, thế nhưng do lượng người đông đúc nên không thể đảm bảo việc giãn cách, nguy cơ lây lan dịch bệnh là khó tránh khỏi.
Chuyên gia cảnh báo nguy cơ dịch Covid-19 vẫn lẩn khuất trong cộng đồng
Theo các chuyên gia y tế, người dân không nên chủ quan, lơ là và cần tuân thủ mọi biện pháp phòng dịch, vì bất cứ khi nào cũng có thể phát hiện các ca nhiễm trong cộng đồng. Một ca ngoài cộng đồng còn nguy hiểm hơn hàng trăm ca trong khu cách ly.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát, diễn biến vô cùng phức tạp và đã xuất hiện nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, nếu không có công việc quá cần thiết thì người dân không nên ra đường. Bởi biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 đang hoành hành ở nước ta là chủng ở Ấn Độ có tốc độ lây lan nhanh hơn chủng cũ nhiều lần.
Ông Nga khuyến cáo, người dân nên hạn chế đi mua sắm và không nên cho trẻ nhỏ đi siêu thị hay trung tâm thương mại. Tại những địa điểm này nếu tập trung đông người thì nguy cơ lây nhiễm bệnh rất lớn. Bởi không gian tại siêu thị là một môi trường kín, có điều hòa nhiệt độ, nếu giọt bắn phát tán từ một người thì sẽ đọng lại trong không gian, cứ “treo” lơ lửng và sẽ tồn tại khá lâu, điều này sẽ tạo điều kiện để dịch bệnh lây lan sang nhiều người, từ đó bùng phát đi các nơi.
Hiện, dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh tại TP.HCM, từ 5/7 tại Hà Nội cũng đã xuất hiện hàng chục ca bệnh trong cộng đồng, ông Nga cho rằng, các siêu thị nên kiểm soát chặt chẽ người ra, vào, phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và đo thân nhiệt trước khi vào. Đặc biệt, người dân phải khai báo y tế để phòng khi có 1 trường hợp F0 đến thì có thể tìm được các F1.
Cùng quan điểm, PGS. Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng sự kiện khẩn cấp Bộ Y tế cho rằng, hiện, Hà Nội đã nới lỏng một số hoạt động, thế nhưng nếu người dân không thực hiện đúng yêu cầu và đảm bảo công tác phòng, chống dịch thì sẽ rất nguy hiểm.
“Thời gian qua, tình hình dịch bệnh tại Hà Nội tạm thời ổn định nhưng mới đây, đã phát hiện 2 ổ dịch ở Đông Anh và Mỹ Đức. Đây cũng là những trường hợp xác định được nguồn lây. Về cơ bản, hai ổ dịch này có thể khống chế được. Tuy vậy, chúng ta không thể chủ quan, lơ là vì Hà Nội là nơi giao lưu, đi lại nhiều, đặc biệt trong những ngày qua, nhiều người đi từ TP.HCM ra Hà Nội trên các chuyến bay. Ngoài ra, cũng không thể nói rằng, Hà Nội đã hết những ca lẩn khuất ở trong cộng đồng mà chúng ta chưa phát hiện ra. Vì vậy, cần phải rất cảnh giác và có những phát hiện sớm, nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch. Nếu không, dịch bệnh sẽ bùng phát như TP.HCM thì rất nguy hiểm”, ông Trần Đắc Phu cho hay.
Ông Phu cũng cho biết thêm, hiện nay, nhiều quán cafe, quán ăn vẫn chưa thực hiện đầy đủ việc lắp vách ngăn, mặc dù vách ngăn không đảm bảo tuyệt đối việc phòng, chống dịch nhưng nó vẫn ngăn được giọt bắn. Để giảm nguy cơ virus lây lan trong không khí, không nên sử dụng điều hoà mà nên dùng quạt điện, mở cửa thông thoáng để đảm bảo không khí lưu thông.
Bài học của làn sóng dịch thứ 4 này chính là cơ chế lây lan của virus trong môi trường kín, điều hòa. Điều này có thể thấy rõ trong ổ dịch tại quán bar, nhà máy, khu công nghiệp, spa hay bệnh viện.
PGS. Trần Đắc Phu khuyến cáo, người dân không nên có tâm lý chủ quan vì đã được giảm giãn cách mà lơ là phòng chống dịch. Khi đi ăn sáng hay uống cafe vẫn cần đảm bảo nguyên tắc 5K, không nên đến những quán quá đông người. Chúng ta hay chủ quan khi trở về trạng thái bình thường mới nên thường lơi lỏng các biện pháp phòng dịch. Nếu cứ tuân thủ đúng thông điệp 5K của Bộ Y tế thì sẽ giảm bớt chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng.
Ý thức của người dân là vô cùng quan trọng. Việc tuân thủ các khuyến cáo 5K trong phòng, chống dịch của người dân sẽ vừa bảo vệ bản thân, gia đình, vừa bảo vệ cộng đồng. Đây chính là biện pháp hiệu quả giúp ngăn chặn con đường lây lan của virus, hạn chế được rất lớn sự phát tán mầm bệnh nơi công cộng.
“Với các hoạt động ngoài trời, nếu không đeo khẩu trang thì nguy cơ nhiễm bệnh cao, nếu giữ khoảng cách trên 2m và đeo khẩu trang hoặc ko lại gần nhau thì không có nguy cơ lớn lây bệnh. Luôn phải thực hiện 5K, khi đi ngoài đường thì sẽ an toàn. Ngoài ra, Hà Nội nên yêu cầu chủ các cơ sở dịch vụ phải đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, yêu cầu khách hàng khai báo y tế, lập danh sách, kiểm soát, đối chiếu thông tin khách hàng hàng ngày”, ông Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Lãnh đạo Hà Nội yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn
Trước những diễn biến mới của dịch Covid-19 trên địa bàn, mới đây Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp ủy Đảng, nhất là người đứng đầu phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm; thần tốc truy vết, khoanh vùng, dập tắt các ổ dịch mới. Ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, phải tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn; duy trì tập trung cao độ, bảo vệ bằng được thành quả công tác phòng, chống dịch thời gian qua vì an toàn và sức khoẻ nhân dân.
Theo ông Đinh Tiến Dũng, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Sau 9 ngày không có thêm ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng, từ ngày 5/7, Hà Nội đã ghi nhận các mắc mới; nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 đang đặt ra rất cấp bách. Chính vì vậy người dân cần thực hiện nghiêm việc khai báo, cách ly khi đi về từ vùng dịch; hạn chế tối đa di chuyển đến các vùng có dịch...
Ông Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp, các ngành kích hoạt công tác phòng, chống dịch ở mức cao nhất; bảo đảm thế trận phòng, chống dịch mạnh trên toàn thành phố; tuyệt đối không chủ quan, tự mãn trong mọi tình huống; phát huy vai trò nòng cốt của các lực lượng tuyến đầu; tăng cường hoạt động của các tổ Covid-19 tại cộng đồng.
Trước đó, ngày 6/7, trao đổi với báo chí về các biện pháp chỉ đạo khống chế các ổ dịch mới phát sinh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, quan điểm của thành phố là phải thực hiện mọi biện pháp một cách quyết liệt, triệt để ngay từ đầu. Có như thế, thành phố mới giữ vững được thành quả, mới có điều kiện để duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội.
Ông Chu Ngọc Anh cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương phải tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố về công tác phòng chống dịch, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan, bùng phát ra cộng đồng. Cả hệ thống chính trị, cán bộ và nhân dân toàn thành phố phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, thống nhất, quán triệt chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng là “phải làm tất cả để đẩy lùi dịch Covid-19” và “người Hà Nội không thể thua “giặc” Covid-19”.
Tại phiên họp trực tuyến với các sở ngành, quận, huyện, phường xã để tiếp tục triển khai các biện pháp nhanh chóng khoanh vùng dập dịch mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 Hà Nội cũng nêu rõ: “Số ca mắc ở cộng đồng hiện nay rất lớn, nhiều ca không rõ nguồn gốc. Hà Nội sau 8 ngày không ghi nhận ca mắc mới đã xuất hiện ổ dịch, nguy cơ bùng phát cao”. Chính vì vậy các đơn vị, địa phương của Hà Nội cần nhanh chóng khoanh vùng dập dịch, kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm phòng chống dịch khi TP đã nới lỏng một số loại hình kinh doanh và đặc biệt là đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Phó Chủ tịch UBND TP nhận định, hiện nay, nhiều người dân vẫn còn chủ quan, lơ là, có nơi còn coi thường các quy định phòng chống dịch; không đảm bảo giãn cách, thực hiện thời điểm đóng cửa nhà hàng không thực hiện nghiêm túc. Sau 21h vẫn có nhà hàng bán hàng, trà đá vỉa hè vẫn hoạt động. Công tác kiểm tra xử lý ở một số địa bàn chưa quyết liệt, chủ động, chưa có giải pháp chấn chỉnh.
Trong một diễn biến mới nhất, căn cứ tình hình dịch bệnh và đánh giá nguy cơ của cơ quan y tế, UBND Thành phố Hà Nội quyết định: Từ 18h00 ngày 8/7/2021 tạm dừng các hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời đến khi có thông báo mới của UBND Thành phố.
Công văn yêu cầu, toàn bộ hệ thống chính quyền các cấp của Thành phố phải xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, ưu tiên hàng đầu, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, luôn luôn chủ động trong mọi tình huống. Đây là thời điểm quan trọng, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; huy động toàn bộ hệ thống chính quyền các cấp vào cuộc, đảm bảo kiểm soát hiệu quả, không để dịch lây lan ra diện rộng trên địa bàn Thành phố./.