Hội thảo trực tuyến tổng kết hợp phần 3 Dự án WB7. Ảnh VGP/Đỗ Hương |
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, trong bối cảnh chịu nhiều rủi ro, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và dịch bệnh, ngành nông nghiệp vẫn luôn phải đảm bảo các mục tiêu quốc gia liên quan đến an ninh lương thực, tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và ổn định xã hội. Để thực hiện các mục tiêu này, Bộ NN&PTNT đã đề xuất Dự án WB7 và được Ngân hàng Thế giới hỗ trợ với tổng kinh phí là 210 triệu USD, trong đó có 180 triệu là vốn vay ODA và 30 triệu là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Triển khai từ năm 2014, Dự án WB7 góp phần cải thiện dịch vụ tưới, tiêu cho hơn 93.000 ha canh tác thuộc 7 tỉnh, thành phố (Hà Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Quảng Nam) với hơn 245.000 hộ nông dân được hưởng lợi trực tiếp. Bên cạnh đó, Dự án đã hỗ trợ xây dựng 49 mô hình thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu (CSA). Cây trồng canh tác tại các mô hình thực hành là những giống cây trồng chủ lực có giá trị về an ninh lương thực và hàng hóa đặc hữu tại từng địa phương như lúa, các loại rau, cây màu, cây ăn quả và cây lâu năm.
Ngoài nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất được nâng lên từ 15% đến 20% so với phương thức canh tác truyền thống, việc áp dụng kỹ thuật canh tác nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính từ 1 tấn đến 4 tấn CO2/ha canh tác/1 năm tùy thuộc mô hình áp dụng.
Những kết quả đạt được của dự án đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp cũng như Chiến lược Phát triển thủy lợi đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Tại Hội thảo, ông Trần Tú Anh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ chia sẻ: “Điểm mới của Dự án là gắn đầu tư hạ tầng với phát triển sản xuất nông nghiệp của từng địa phương. Năm 2014, trong thiết kế ban đầu đã xem xét đến sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Vấn đề này khi đó còn rất ít người nhắc đến, thể hiện tầm nhìn xa trong thiết kế các nội dung của Dự án khi sản xuất nông nghiệp được coi là yếu tố phát thải khí nhà kính lớn”.
Ông Võ Văn Điềm, Giám đốc Ban quản lý dự án nông nghiệp tỉnh Quảng Nam cho rằng: “Các cơ quan chuyên môn của Trung ương cần xây dựng các cơ chế, chính sách giúp các địa phương triển khai Dự án từ xã đến các hợp tác xã và tổ hợp tác để nhân rộng mô hình đồng bộ trên diện rộng. Đồng thời, qua đánh giá các ưu điểm, hỗ trợ các hợp tác xã tiếp tục giám sát và duy trì các mô hình để nâng cao lợi ích cho người dân”.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, Bộ NN&PTNT sẽ cùng với các nhà tài trợ xây dựng các dự án nhân rộng gói kĩ thuật nông nghiệp thông minh. Đây là sự mong đợi của nông dân ở các địa phương, mong muốn của Bộ cũng như các nhà tài trợ trong thời gian tới.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: “Thông qua việc tổng hợp, đánh giá kết quả, Bộ NN&PTNT và Ngân hàng Thế giới xây dựng dự án tiếp theo một cách đồng bộ và có hiệu quả hơn”.
Đỗ Hương