Bộ Chính trị vừa chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu việc thí điểm sử dụng "hộ chiếu vắc-xin" với khách quốc tế đến một số điểm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh, như Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).

"Hộ chiếu vắc-xin" + 5K = Cơ hội

Các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) du lịch đều có chung nhận định đây là cơ hội cho ngành du lịch vốn đang cực kỳ khó khăn.

Nhiều người Việt Nam ở nước ngoài hiện đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng dịch nằm trong danh mục được Bộ Y tế cho phép sử dụng như AstraZeneca và Pfizer. Bà Hồng Shurany - một Việt kiều tại Israel đồng thời là chủ một DN du lịch thường đưa khách Israel tới Việt Nam - rất hào hứng với thông tin Bộ Chính trị chỉ đạo nghiên cứu cho thí điểm sử dụng "hộ chiếu vắc-xin" với khách quốc tế.

Phần lớn người dân Israel đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Pfizer. Họ rất yêu thích đi du lịch và sau khi Israel dỡ bỏ hoàn toàn phong tỏa, họ đã có thể tới 58 nước trên thế giới. Nữ Việt kiều này kỳ vọng nếu việc cách ly tập trung 7 ngày đối với các thành viên đội tuyển Việt Nam được áp dụng thành công thì khách du lịch quốc tế cũng có thể đến Việt Nam nếu đã có "hộ chiếu vắc-xin" đồng thời thực hiện nghiêm quy định 5K.

"Tôi đã lên kế hoạch về Việt Nam trong tháng tới để kiểm tra thực tế và sau đó có các kế hoạch tiếp theo. Một tour kín theo mô hình "bong bóng", nghĩa là chỉ những người trong đoàn du khách và người tại các điểm đến tiếp xúc với nhau trong suốt hành trình, không tiếp xúc với bên ngoài. Nơi cách ly tập trung có thể là resort, khách sạn 5 sao, sinh hoạt khép kín là rất khả thi" - bà Hồng Shurany nhận định.

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch, cho rằng cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc đón khách quốc tế bởi các nước lân cận đã nghiên cứu các giải pháp mở cửa. Tuy nhiên, chỉ "hộ chiếu vắc-xin" thôi là không đủ mà cần giải pháp tổng thể. Chẳng hạn như cần thành lập nhóm gồm nhiều chuyên gia từ nhiều ngành như y tế, ngoại giao, công an, quốc phòng, du lịch, văn hóa... để có ý kiến toàn diện, tư vấn cho Chính phủ đưa ra một bộ tiêu chí an toàn, từ đó thí điểm mở cửa chứ không ồ ạt.

Việc mở lại thị trường nào, sản phẩm ra sao cần phải tính toán kỹ, như khách phải tới từ những thị trường an toàn, đã được xét nghiệm RT-PCR âm tính. Ngược lại, những nơi được thí điểm đón khách cần bảo đảm 100% nhân viên ngành du lịch, 70%-90% dân cư được tiêm vắc-xin Covid-19 để tạo tâm lý an tâm cho khách đến.

Theo các chuyên gia, khách du lịch phải đạt được yêu cầu tối thiểu như "hộ chiếu vắc-xin", một số điều kiện khác như xét nghiệm nhanh Covid-19 trước chuyến bay trong vòng 3 ngày và sau khi đến Việt Nam đều phải có kết quả âm tính. Trong thời gian kiểm tra tại sân bay, khách phải cách ly đến khi có kết quả nhưng thời gian chờ kết quả không nên quá lâu để tránh nản lòng du khách.

Ông Ngô Minh Thiện, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội của Công ty CP Công nghệ Du lịch Gotadi, đánh giá "hộ chiếu vắc-xin" là công cụ tốt, tạo thuận lợi cho khách du lịch di chuyển tự do trong nội địa cũng như giữa các nước với nhau. Việt Nam cần tìm mọi cơ hội để nghiên cứu mở lại du lịch quốc tế ngay từ những người đã tiêm vắc-xin. Ban đầu, có thể thí điểm ở những địa điểm có điều kiện như Phú Quốc - nơi hội tụ cả sân bay quốc tế lẫn rất nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng phù hợp với nhu cầu của du khách quốc tế.

Hộ chiếu vắc-xin: Cơ hội vàng cho du lịch - Ảnh 1.

Công viên chủ đề VinWonders, một trong những điểm đến thu hút du khách ở Phú Quốc. Ảnh: LAM GIANG

Đợi chờ và chung tay

 

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết du lịch là một trong những ngành dịch vụ tiếp xúc trực tiếp với du khách trong và ngoài nước, nên việc sớm tiêm phòng cho lực lượng lao động này rất cần thiết, nhất là khi Chính phủ đang có chủ trương thí điểm chương trình "hộ chiếu vắc-xin" đón khách quốc tế.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam vừa có công văn gửi các DN du lịch, các DN có liên quan đến du lịch và hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố về việc xã hội hóa tiêm vắc-xin Covid-19 trong lĩnh vực du lịch. Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng kêu gọi các DN tích cực đóng góp vào Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19 của Chính phủ.

Theo ông Bình, chi phí tổ chức tiêm vắc-xin Covid-19 cho cả nước chắc chắn sẽ rất lớn nên các DN du lịch mong muốn được trả phí cho mũi tiêm của người lao động ngành mình, giảm gánh nặng ngân sách.

Ông Phùng Quang Thắng - Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist - cũng khẳng định đây là việc làm cần thiết vì tiêm vắc-xin là một trong những giải pháp phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, từ đó nhanh chóng khôi phục hoạt động du lịch.