Biết quy định nhưng vẫn cố tình vi phạm
Không khó để bắt gặp những hình ảnh học sinh điều khiển xe gắn máy trên 50cc không đội mũ bảo hiểm, kẹp 2 kẹp 3 hay thậm chí còn phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều,... gây nguy hiểm cho người khác. Nhiều học sinh còn tự ý thay đổi màu sắc, nhãn mác, lắp hệ thống đèn chiếu sáng, đèn trang trí môtô sai quy định, lắp còi sai âm lượng, tụ tập thành nhóm đi tốc độ cao, nô đùa trên nhiều tuyến phố...
Số lượng học sinh THPT trên địa bàn TP Hà Nội đi xe có dung tích trên 50cc không hề nhỏ. Các loại xe được sử dụng cũng rất phong phú, từ các xe số như: Honda Wave Alpha100, xe dream đến các loại xe tay ga như Vision, SH mode… Do đa số các trường đều cấm học sinh điều khiển xe máy dung tích trên 50cc nên những học sinh này thường tìm các bãi xe quanh trường để gửi xe rồi sau đó đi bộ vào trường.
Em Nguyễn Tuấn Minh, một học sinh THPT trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội) điều khiển chiếc xe Vision đi học cho biết: “Trước kia bố mẹ đã mua cho em một chiếc xe dung tích dưới 50cc rồi nhưng thực sự là đi xe đó rất chậm và ì nên em đã xin bố mẹ đổi cho em sang xe này. Bạn bè em đi xe máy trên 50cc rất nhiều, có bạn độ xe, thành lập nhóm để rủ nhau đi đua giải trí. Đa số chúng em chỉ độ bô, còi đuổi, đèn hậu, xi nhan nhấp nháy. Bạn nào có nhiều tiền hơn thì độ cả máy, từ phân khối nhỏ thành phân khối lớn. Nhiều bạn khi xe được độ rồi thì thi nhau biểu diễn, bạn thì đua xe, bạn thì thể hiện trình tổ lái của mình bằng cách lạng lách chui vào giữa khe hai xe ô tô, bạn thì lại thích bơi, tức là nằm dài trên xe, một tay vặn ga, một tay ấn cần số...".
Tại nhiều trường THPT trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội), vào khoảng 17h trở đi, từ trong cổng trường hàng loạt học sinh với đủ loại phương tiện xe máy, xe đạp đổ ra đường. Đáng chú ý, số lượng học sinh sử dụng xe máy quá dung tích quy định diễn ra khá phổ biến.
Chị Nguyễn Thị Hồng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Cứ mấy ngày lại nghe có vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh trên địa bàn quận, chủ yếu các cháu lái xe phóng nhanh, vượt ẩu,…Tôi nghĩ phải cấm thật nghiêm các cháu học sinh đi xe máy phân khối lớn đến trường để đảm bảo an toàn cho chính các cháu và những người tham gia giao thông khác".
Có con đang học cấp 3, chị Phạm Minh Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Do đặc thù công việc nên không thể đưa đón con đi học mỗi ngày. Khi con trai mình vào cấp 3, gia đình cũng đã mua cho cháu một chiếc xe đạp điện để tự đến trường. Tuy nhiên, chỉ sau nửa học kỳ đầu của năm học lớp 10, cháu về nhà luôn cằn nhằn về việc xe đi chậm, không thể điều khiển tốc độ theo ý muốn nên đề đạt nguyện vọng được bố mẹ đổi xe. Nhà còn thừa một chiếc xe dream nên chồng mình giao cho cháu đi”.
Ông Nguyễn Quốc Trường (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Cách đây 5 tháng, do xe của cháu hỏng nên tôi cho con trai học lớp 11 một chiếc xe SH mode thừa của gia đình để con đi học trong lúc sửa xe kia. Thế nhưng vừa đi hôm trước thì hôm sau con gây tai nạn. Cũng may, không gây ra hậu quả cho ai, người cháu chỉ bị thương nhẹ còn xe thì hỏng nghiêm trọng, mình phải mang vào hãng sửa mất 6 triệu. Sau hôm đó tôi không cho con đi xe mới nữa mà bắt phải đi chiếc xe 50cc cũ”.
Xử phạt học sinh đi xe trái quy định không nên chỉ trong một vài tháng
Trung tá Phạm Đức Hoàng - Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 14, Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội cho biết, thực hiện tháng cao điểm về ATGT và tiếp tục triển khai Chỉ thị 31 về tăng xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến học sinh, triển khai các mô hình cổng trường an toàn, Đội CSGT đường bộ số 14 đã tập trung tuyên truyền tại các nhà trường xuyên suốt cả năm học. Đồng thời kiên quyết xử lý các vi phạm liên quan đến học sinh, phụ huynh học sinh vi phạm trật tự ATGT.
Lý giải về tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về TTATGT tái diễn sau mỗi đợt ra quân, Trung tá Phạm Đức Hoàng nêu quan điểm: "Qua nhiều năm làm nhiệm vụ đảm bảo TTATGT và xử lý các hành vi vi phạm tôi thấy so với trước đây thì các hành vi vi phạm như không đội mũ bảo hiểm và các vi phạm khác đã giảm nhiều. Tuy nhiên vẫn tái diễn là do sự quản lý của gia đình, sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình có lúc có nơi chưa phát huy hết hiệu quả. Tôi khuyến cáo các phụ huynh học sinh không giao phương tiện cho con em khi chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông".
Thực hiện chỉ thị 31 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông đối với học sinh, từ 5/9/2024 đến nay, Phòng CSGT Hà Nội đã phối hợp với Công an cơ sở, các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố tổ chức 18 buổi học ngoại khoá, tuyên truyền pháp luật về TTATGT cho gần 23.000 học sinh các cấp và hàng nghìn giáo viên.
Thống kê từ 1/10 đến 6/10, Phòng CSGT Hà Nội xử lý 1.849 trường hợp học sinh vi phạm, tạm giữ 1.058 phương tiện các loại. Xử phạt 66 trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển. CSGT sẽ tiếp tục xác minh, xử lý trong quá trình giải quyết vi phạm.
Trong đó, 10 Tổ công tác đặc biệt xử lý 17.685 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông (tính từ 16/5 đến 28/9), phạt tiền khoảng 14,096 tỷ đồng, tạm giữ 3.928 phương tiện, tước 707 giấy phép lái xe. Trong đó, phát hiện, bắt giữ 19 vụ việc có dấu hiệu tội phạm, bàn giao cơ quan chức năng điều tra, giải quyết.
Trong dịp này ngoài việc tổ chức các buổi tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT tại nhà trường, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội còn thường xuyên bố trí lực lượng tại các cổng trường để phân luồng, chống ùn tắc và nhắc nhở học sinh chấp hành đúng các quy định của pháp luật về TTATGT. Với mục tiêu nhằm nâng cao kiến thức pháp luật, góp phần xây dựng văn hóa giao thông, đồng thời nêu cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường trong việc bảo đảm TTATGT cho học sinh các cấp học.
Công an TP Hà Nội cũng phối hợp tuyên truyền cho phụ huynh nắm rõ quy định pháp luật. Đặc biệt là liên quan đến quy định lứa tuổi nào sẽ được lái xe trên 50cc để tránh chủ quan, vì giao xe cho con là hại con. Trường hợp nếu tỉ lệ học sinh từ 16 - 18 tuổi vi phạm nhiều cũng nên đưa vào quy định luật pháp yêu cầu thi bằng lái để được đào tạo kiến thức cơ bản về giao thông.
Các chuyên gia giao thông cũng góp ý để việc làm lan tỏa và có hiệu quả lâu dài thì việc tuyên truyền, kiểm tra, xử lý diễn ra thường xuyên. Không chỉ trong vòng một vài tháng rồi đâu lại vào đó.
Cần phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Xử lý nghiêm phụ huynh học sinh, người giám hộ, người giao phương tiện cho các em học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển; các chủ phương tiện và phụ huynh chở các em học sinh vi phạm các quy định về vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.