Ngày 5/4, kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV bước vào tuần làm việc cuối cùng với những nội dung quan trọng về công tác nhân sự. Nội dung này đã được tiến hành trong tuần làm việc trước đó.
Bầu Chủ tịch nước và Thủ tướng trong cùng ngày
Trong phiên làm việc buổi sáng, đại biểu Quốc hội bỏ phiếu kín bầu Chủ tịch nước. Sau khi công bố kết quả kiểm phiếu, tân Chủ tịch nước thực hiện nghi lễ tuyên thệ.
Sau đó, tân Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng.
Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Phúc là người đã được miễn nhiệm chức Thủ tướng ngày 2/4 và là nhân sự duy nhất được đề cử để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Đây là lần đầu tiên đương kim Thủ tướng được giới thiệu để bầu làm người đứng đầu Nhà nước.
Trong ngày 5/4, Quốc hội bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước và Thủ tướng. Ảnh: Hải Quân. |
Chiều cùng ngày, Quốc hội bỏ phiếu bầu Thủ tướng. Tân Thủ tướng tuyên thệ ngay sau đó.
Nhân sự được đề cử để Quốc hội bầu làm Thủ tướng chưa được cơ quan có thẩm quyền tiết lộ. Song, trong danh sách sơ bộ nhân sự được các cơ quan Trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV cho thấy có một số thay đổi. Đáng chú ý, trong 15 người được giới thiệu ứng cử ở khối Chính phủ có Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Minh Chính (Trưởng ban Tổ chức Trung ương).
Sau quy trình bầu Thủ tướng, tân Chủ tịch nước trình Quốc hội miễn nhiệm Phó chủ tịch nước. Người đang giữ cương vị này là bà Đặng Thị Ngọc Thịnh. Bà Thịnh không tái cử Trung ương khóa XIII.
Trong khi đó, danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa mới ở khối Chủ tịch nước ngoài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải, còn có Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân. Chức danh Phó chủ tịch nước sẽ được bầu vào sáng 6/4.
Quy trình trình, miễn nhiệm và bầu một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước cũng lần lượt được thực hiện trong tuần.
Phê chuẩn bổ nhiệm các phó thủ tướng, thành viên Chính phủ
Sáng 7/4, tân Thủ tướng sẽ trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm một số phó thủ tướng, bộ trưởng và thành viên Chính phủ; Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm một số phó chủ tịch và ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; Chủ tịch nước trình phê chuẩn việc miễn nhiệm Phó chủ tịch và một số ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh.
Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Phúc được miễn nhiệm chức Thủ tướng và giới thiệu bầu làm Chủ tịch nước. Ảnh: Hải Quân. |
Các chức danh này được phê chuẩn miễn nhiệm chiều cùng ngày, trước khi danh sách nhân sự dự kiến được trình để Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm. Việc phê chuẩn bổ nhiệm sẽ được tiến hành trong ngày làm việc cuối cùng của Quốc hội - 8/4.
Ở Chính phủ, sau Đại hội XIII có 9 thành viên không tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.
Trong khi đó, có 15 người được giới thiệu ứng cử vào Quốc hội khóa mới ở khối này. Ngoài ông Phạm Minh Chính còn có một số “gương mặt mới” lần đầu được Chính phủ giới thiệu, như: Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Hồng Diên; Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan; Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long; Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn.
Từ ngày 29/3 đến 2/4, Quốc hội đã tiến hành kiện toàn một số nhân sự cấp cao.
Theo đó, Quốc hội đã miễn nhiệm chức Chủ tịch Quốc hội của bà Nguyễn Thị Kim Ngân và bầu ông Vương Đình Huệ làm Chủ tịch Quốc hội. Các đại biểu cũng bỏ phiếu tán thành việc miễn nhiệm chức Thủ tướng đối với ông Nguyễn Xuân Phúc, miễn nhiệm chức Chủ tịch nước đối với ông Nguyễn Phú Trọng.
Bà Tòng Thị Phóng, ông Uông Chu Lưu và ông Phùng Quốc Hiển cũng lần lượt được miễn nhiệm chức danh Phó chủ tịch Quốc hội. Ba nhân sự được bầu thay thế gồm các ông Trần Thanh Mẫn, Nguyễn Khắc Định và Nguyễn Đức Hải.
Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, trong kỳ họp cuối cùng của khóa XIV, Quốc hội sẽ kiện toàn tổng cộng 25 chức danh.