Hơn 1 tháng điều chỉnh lương, một số mặt hàng thiết yếu cũng đã tăng nhưng không đáng kể. Tham khảo tại một số chợ dân sinh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa cho thấy, giá rau củ, giá thịt lợn, thịt bò tăng nhẹ từ 5-10% so với tháng 5, 6.
Cụ thể, giá thịt lợn tăng khoảng 10-20.000 đồng/kg tùy loại. Trong đó, ba chỉ, nạc vai khoảng 150.000 đồng/kg, nạc mông 135.000 đồng/kg... Tương tự, thịt bò cũng tăng giá hiện tại khoảng 250.000 đồng/kg. Mặt hàng trứng ở các chợ tăng 300-500 đồng/quả, trứng gà có giá khoảng 27.000 đồng/chục, loại to lên 30.000 đồng/chục.
Trái ngược với các chợ dân sinh, hệ thống các siêu thị như Winmart, BRG Mart, Hapro... giá các mặt hàng thiết yếu tương đối ổn định. Tại hệ thống siêu thị BRG Mart, thịt lợn vai được bán với giá 134.900 đồng/kg, thịt đùi 104.900 đồng/kg...
Đối với mặt hàng rau củ tại Hà Nội đang tăng mạnh, ghi nhận đầu tháng 8/2024, rau muống từ 8.000-11.000 đồng/mớ lên 13.000-15.000 đồng/mớ, rau xà lách từ 20.000-25.000 đồng/kg lên 40.000 đồng/kg... Tuy nhiên, việc tăng giá là do một số vùng trồng rau ở Hà Nội như Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai... bị ngập úng nên tăng giá một thời điểm chứ không phải ảnh hưởng do tăng lương.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện chuỗi siêu thị Haprofood/BRG Mart cho biết, hiện chuỗi siêu thị bán lẻ của đơn vị là 37 cửa hàng. Sau đợt tăng lương 1/7, chuỗi các cửa hàng đang ổn định cung ứng hàng hóa cho thị trường, giá cả được bình ổn, xu hướng tiêu dùng của người dân vẫn diễn ra bình thường.
Trong khi đó, đại diện siêu thị Co.opmart Hà Nội cho biết thêm, doanh nghiệp luôn chủ động phối hợp với các nhà cung cấp thực hiện các chương trình khuyến mãi tại 800 điểm bán trên toàn quốc. Mặc dù mức lương của công chức viên chức tăng, nhưng siêu thị vẫn giữ được giá bình ổn, để kích cầu tiêu dùng.
Hàng hóa tại siêu thị Hà Nội |
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết, vấn đề lương tăng thì giá tăng là vấn đề muôn thuở việc tăng lương chỉ thật sự có ý nghĩa nếu giá cả được giữ ổn định ở mức tương đối. Những mặt hàng thiết yếu như điện, nước, xăng dầu, lương thực, thực phẩm thì phải kiểm soát được giá cả hoặc điều tiết hợp lý. Đây là vấn đề nhiều người tiêu dùng quan tâm.
Đại diện Sở Công thương Hà Nội cho biết, nhằm bình ổn giá cả thị trường, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch bình ổn các mặt hàng thiết yết 2024 bao gồm: gạo, thịt lợn, thịt gà, vịt, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, đường, dầu ăn, gia vị, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Theo Cục Thống kê TP Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2024 trên địa bàn Hà Nội tăng 0,51% so với tháng trước và tăng 5,51% so với cùng kỳ năm 2023. CPI bình quân 7 tháng năm 2024 tăng 5,36% so với bình quân cùng kỳ năm 2023.
Trong 7 tháng đầu năm 2024, có 10/11 nhóm hàng có chỉ số CPI tăng so với cùng kỳ năm trước. Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 6,19%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,28%. Thuốc và dịch vụ y tế tăng 4,15%. Một số hàng hóa tiêu dùng như mũ nón, giày dép, may mặc tăng 1,9%....Riêng đối với nhóm bưu chính viễn thông có chỉ số giảm 1,38%.