Hợp tác quốc tế toàn diện để phát triển nông nghiệp bền vững19/10/2024 - 09:07:00 Để xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, bảo đảm cho hệ thống an ninh lương thực toàn cầu, Việt Nam sẵn sàng hợp tác quốc tế toàn diện về thương mại, đầu tư nông nghiệp. Đồng thời, Việt Nam cũng hướng đến kết nối đa ngành, đa mục tiêu trong hệ thống lương thực, thực phẩm.
Tăng cường hợp tác quốc tế Tại Lễ Kỷ niệm Ngày Lương thực thế giới lần thứ 44 và triển khai Đề án thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 18.10, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, nền nông nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn; đóng góp 12% GDP của quốc gia (năm 2023), tạo việc làm cho gần 40% lao động và góp phần quan trọng cho xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam đang phải đương đầu với một số thách thức lớn như quy mô nông hộ nhỏ còn chiếm đa số, nguồn tài nguyên cạn kiệt, biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới. Người sản xuất ít có điều kiện tiếp cận thị trường và thường chỉ dừng ở khâu cung cấp nguyên liệu thô… Để giải quyết những khó khăn và đưa nông nghiệp Việt Nam hội nhập thế giới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành quyết định phê duyệt “Đề án thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050” (Đề án). Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Đỗ Anh Tuấn thông tin, mục tiêu cụ thể của Đề án là phấn đấu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 70 tỷ USD, mỗi ngành hàng chủ lực có ít nhất 1 nhãn hiệu hoặc thương hiệu được công nhận tại các thị trường trọng điểm. Vốn đầu tư FDI đăng ký trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 25 tỷ USD, có 30% dự án đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh... Bên cạnh đó, thu hút vốn vay đạt 5 tỷ USD, viện trợ không hoàn lại đạt 1 tỷ USD; dẫn đầu ít nhất 1 sáng kiến toàn cầu hoặc khu vực trong các lĩnh vực thương mại bền vững, tăng trưởng xanh và bao trùm, đổi mới sáng tạo, đối tác công tư… Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẵn sàng chung tay hợp tác với các đối tác quốc tế một cách toàn diện các vấn đề về thương mại, đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật, khoa học công nghệ và đào tạo, truyền thông theo tinh thần đa dạng hóa đối tác, làm bạn với tất cả và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nông nghiệp đi vào thực chất, hiệu quả… Hướng đến kết nối đa ngành trong hệ thống lương thực, thực phẩm Theo báo cáo của FAO, năm 2023 có tới 733 triệu người trên thế giới phải đối mặt với nạn đói; 2,8 tỷ người trên toàn thế giới vẫn không thể có khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh. Mỗi năm, có hơn 600 triệu người bị ngộ độc thực phẩm và 420.000 người tử vong mỗi năm do ăn phải thực phẩm bẩn. Tại Đông Nam Á năm 2022, 36,3% dân số không đủ khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh. Tỷ lệ này ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng nhờ áp dụng các chính sách công trong ba thập kỷ qua. Trước thực tiễn trên, Liên Hợp Quốc đã lựa chọn chủ đề của Ngày Lương thực thế giới năm nay là “Quyền tiếp cận lương thực, thực phẩm vì một cuộc sống và tương lai tốt đẹp hơn”. Để bảo đảm hệ thống lương thực, thực phẩm luôn dồi dào, giá cả phải chăng và bổ dưỡng, FAO cho rằng cần phải chuyển đổi chúng một cách hiệu quả, toàn diện, linh hoạt và bền vững hơn. Trong khuôn khổ buổi lễ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổ chức FAO tại Việt Nam đã cùng thông qua Thỏa thuận Đối tác chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững tại Việt Nam. Mục tiêu tổng thể là hỗ trợ thực hiện các lộ trình quốc gia về chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm, qua đó góp phần vào an ninh lương thực quốc gia và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia và toàn cầu vào năm 2030. Hệ thống lương thực, thực phẩm của Việt Nam đang hướng tới cách tiếp cận đa ngành, đa mục tiêu. Hiện, Chính phủ đã xây dựng và thông qua lộ trình quốc gia về chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm, cụ thể là chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 Quyết định số 150/QĐ-TTg (Lộ trình). Quyết định 300/QĐ-TTg về kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững tại Việt Nam đến năm 2030. Lộ trình thông qua các chính sách và chương trình về hệ thống lương thực, thực phẩm để đảm bảo khả năng tiếp cận bình đẳng với đầy đủ, đa dạng các loại thực phẩm bổ dưỡng, an toàn và giá cả phải chăng cho tất cả người dân Việt Nam; tăng cường quan hệ đối tác công tư với các cơ chế trách nhiệm giải trình và phát triển năng lực cần thiết để chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm đồng thời đạt được sự phát triển bền vững. Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam Rémi Nono Womdim nhấn mạnh, việc chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm sẽ góp phần không chỉ xóa đói giảm nghèo, cải thiện dinh dưỡng và sinh kế của những người dễ bị tổn thương nhất, mà còn đảm bảo các hệ thống này hiệu quả, bao trùm, có khả năng phục hồi và bền vững hơn. FAO sẽ giữ nguyên cam kết hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để cùng nhau chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm của Việt Nam. Bộ trưởng Lê Minh Hoan tin tưởng, với những nỗ lực của Chính phủ, sự chủ động của toàn ngành, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban ngành, địa phương, sự đồng hành các đối tác quốc tế, của khu vực tư nhân và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, sự đóng góp của các chuyên gia và toàn thể người dân, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có nền nông nghiệp hiện đại, minh bạch, trách nhiệm và bền vững, đóng góp tích cực cho an ninh lương thực và phát triển bền vững toàn cầu. Theo ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|