Ế vé máy bay khởi hành ‘nửa đêm gà gáy’

Ghi nhận thực tế tại các công ty lữ hành, hầu như rất ít hoặc không có tour trong nước khởi hành buổi tối, đừng nói là đi vào ban đêm. Bởi, thường khi thiết kế tour, phía du lịch bao giờ cũng muốn làm sao để khách có nhiều thời gian tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng nhất trong hành trình đi gói gọn theo từng ngày, từng đêm.

Chia sẻ với PV. VietNamNet, bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị và truyền thông Vietluxtour, cho biết, tour trong nước bay đêm cũng có nhưng rất ít, bởi những khách chấp nhận bay giờ xấu chia làm 3 loại, thường là khách lẻ: tour định kỳ trọn gói, tour option (theo yêu cầu của khách) và combo vé máy bay + phòng khách sạn. 

Theo bà Thu, riêng với các tour đoàn, cho khách MICE gắn với các hoạt động team building, hội thảo, đào tạo,... có mời đối tác, khách hàng thì các doanh nghiệp bao giờ cũng chọn giờ bay đẹp, chất lượng dịch vụ cao. Trong khi đó, tour có giờ khởi hành muộn, chất lượng dịch vụ khó đảm bảo nên Vietluxtour không làm tour trọn gói cho khách bay đêm, trừ khi khách bị chậm chuyến do lỗi của hàng không thì đành chịu. 

441946235_7902881829775164_1939746436827196998_n.jpg
Hành khách vẫn ngại bay đêm vì thời gian đi du lịch bị ngắn lại đáng kể. Ảnh: Thạch Thảo

Việc mua vé máy bay đêm khi đi du lịch chủ yếu là khách lẻ, khách đi theo nhóm, là giới trẻ,... để tiết kiệm chi phí hoặc có nhiều thời gian cho kỳ nghỉ.

Bà Trần Thị Bảo Thu nói rằng, nỗi lo lớn nhất của khách là nếu bay đêm, không chỉ rủi ro trễ chuyến mà có khi đến khách sạn, lễ tân đã... đi ngủ. Ngay tại các điểm du lịch lớn như Đà Nẵng, Nha Trang, ban đêm hầu như không có hoạt động vui chơi gì. Khách đến vào giờ đó chỉ để ngủ, tóm lại rất buồn chán. 

Điều này trái ngược hoàn toàn với đi du lịch nước ngoài, với nhiều tour khởi hành ban đêm. Bởi, khởi hành lệch giờ có giá vé máy bay rất tốt, giờ bay đa dạng, kể cả bay đêm nhưng đến nơi như Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan,... là những điểm đến sôi động, nhộn nhịp suốt ngày đêm nên với tâm lý háo hức, đến nơi khách có thể nhào đi chơi đêm ngay, thậm chí vừa kịp giờ ăn sáng, đi tham quan luôn.  

Chính vì thế mà tại hội thảo Hàng không - du lịch "bắt tay" liên kết phát triển bền vững hồi giữa tuần, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho hay, trong nỗ lực để hạ nhiệt giá vé máy bay nội địa, hãng này đã bổ sung cả nghìn chuyến bay khởi hành ban đêm và sáng sớm trong hai tháng 4 và 5, với giá vé được cho là hấp dẫn.

Tuy nhiên, ông Hà thừa nhận, trong tháng 5, Vietnam Airlines phải hủy 10% số chuyến bay đêm do không có khách. Lý do là giá vé tuy rẻ hơn nhưng khách sẽ mất thêm 1 đêm ở khách sạn hoặc các điểm đến chưa thể đáp ứng về hạ tầng giao thông công cộng để di chuyển vào ban đêm.

Chủ tịch HĐQT Vietravel Holding, ông Nguyễn Quốc Kỳ, cũng khẳng định “không có khách nào bay đêm đâu”, bởi du lịch là thị trường của người có tiền. “Bắt khách bay đêm, khổ cực vậy ai đi” - ông Kỳ nói.

Liệu có thực sự tiết kiệm? 

Ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO của AZA Travel, phân tích, giá vé máy bay đêm đúng là có giảm nhưng cần so cái lợi từ việc giảm giá vé này với giá phòng khách sạn phải trả. "Tiết kiệm được bao nhiêu, liệu có đáng để đi nửa đêm, về gà gáy", ông băn khoăn.

Vị CEO này dẫn chứng, giá phòng khách sạn tại Đà Nẵng rẻ nhất khoảng 500.000 đồng/phòng/đêm, đắt lên tới hơn 3 triệu đồng. Giả sử khách đặt phòng trung bình giá 1,5 triệu đồng/đêm, nhưng đến nơi chỉ để ngủ chờ đến hôm sau thì giá vé máy bay phải rẻ hơn ít nhất một nửa so với giá phòng, tức 750.000 đồng/chặng; còn nếu mức giảm chỉ 200.000-300.000 đồng thì không đáng là bao.

Trong khi đó, khảo sát của PV. VietNamNet sáng 14/6 cho thấy, giá vé giữa tuần trong tháng 7 chặng Hà Nội - Đà Nẵng, nếu bay đi đêm (23h30) về sớm (1h30-2h00) của Vietnam Airlines và Vietjet Air là 2,4-2,5 triệu đồng/vé khứ hồi, còn tương đối nhiều. Cùng ngày bay đó, nhưng nếu chọn giờ đẹp (đi 14h00, về 12h00), giá vé từ 3-3,3 triệu đồng, tức chỉ cao hơn 600.000-700.000 đồng so với việc phải thức khuya, dậy sớm đi máy bay. 

Chưa kể, theo ông Đạt, thời gian đi du lịch bị ngắn lại đáng kể, trong khi tâm lý của khách du lịch là thích đi sớm về muộn chứ không ai muốn đi muộn về sớm cả.

Hơn nữa, với một số chặng bay, mức giá hợp lý chỉ áp dụng cho các chuyến bay từ tháng 9 trở đi, tức  hàng không chỉ kích cầu mùa thấp điểm. Giá vé máy bay giờ đẹp vẫn đang cao hơn 20% so với cùng kỳ hàng năm, lại không hề có khuyến mại. 

Theo quy định, trần giá vé máy bay mới, hiệu lực từ 1/3/2024 theo quy định của Bộ GTVT, áp dụng cho hạng phổ thông cơ bản. Song, ông Đạt thẳng thắn chỉ ra rằng các hãng bay đang “lách luật” bằng cách chia ra nhiều hạng vé để từ đó, có thể nâng giá cao hơn so với mức trần quy định.

Cho rằng khách đi du lịch nghỉ dưỡng vẫn ưu tiên bay giờ đẹp hơn, khác với đi về quê hay thăm thân, ông Phạm Vũ Bảo, Giám đốc ViBooking - công ty chuyên đặt vé máy bay - cũng chỉ ra những nguyên nhân khiến khách ít đặt vé bay đêm. 

Đó là bởi khách đi du lịch luôn đặt ưu tiên hàng đầu là sự tiện lợi, thoải mái. Còn thực tế, giá vé máy bay khởi hành ban đêm và sáng sớm chưa thực sự rẻ. Việc kết nối trung tâm và với sân bay lại không thuận lợi, nên khách đến sân bay vào giờ đêm có thể bị tăng chi phí di chuyển vào trung tâm. 

Điển hình như tại Nội Bài, nếu khách đặt xe dịch vụ hoặc bắt taxi về nhà vào ban ngày chắc chắn giá sẽ rẻ hơn nếu đặt xe vào buổi tối hay ban đêm.

Vẫn còn dư địa tăng chuyến bay

Tuy nhiên, lãnh đạo Vietnam Airlines cho rằng, vẫn còn dư địa để tăng chuyến bay, thu hút khách du lịch thông qua việc xây dựng thói quen mới, đi lại với chuyến bay đêm. Hãng đã làm việc với các tập đoàn Vingroup, Sungroup có tour du lịch kết hợp bay đêm, giảm 50% hoặc thậm chí miễn phí đêm đầu tiên để giảm chi phí cho du khách.

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), cũng đề xuất, các đơn vị kinh doanh khách sạn nên áp dụng chính sách nhận phòng (check-in) và trả phòng (check-out) linh hoạt; qua đó khuyến khích khách bay đi và về vào các khung giờ thấp điểm, tận dụng được lợi ích từ việc giảm giá vé máy bay.