Theo đó, trong quý III, tổng mức phát hành trái phiếu Chính phủ sẽ là 110.000 tỷ đồng (bao gồm cả khối lượng phát hành cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam).
Dự kiến khối lượng huy động theo kỳ hạn như sau: Kỳ hạn 5 năm là 10.000 tỷ đồng; Kỳ hạn 7 năm là 3.000 tỷ đồng; Kỳ hạn 10 năm là 35.000 tỷ đồng; Kỳ hạn 15 năm là 48.000 tỷ đồng; Kỳ hạn 20 năm là 7.000 tỷ đồng; Kỳ hạn 30 năm là 7.000 tỷ đồng.
Theo Kho bạc Nhà nước, trong quá trình thực hiện có thể sẽ có điều chỉnh khối lượng phát hành các kỳ hạn trái phiếu phù hợp với tình hình thị trường và nhu cầu sử dụng vốn của ngân sách nhà nước.
Trong 6 tháng đầu năm, Kho bạc Nhà nước đã tập trung thực hiện tốt công tác huy động vốn. Theo đó, bám sát diễn biến của thị trường tài chính tiền tệ, tình hình thu - chi ngân sách, tồn ngân quỹ nhà nước, Kho bạc Nhà nước đã chủ động báo cáo, đề xuất với Bộ Tài chính các giải pháp để tổ chức triển khai công tác huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ.
Trái phiếu Chính phủ được phát hành theo phương thức đấu thầu qua Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, bảo đảm công khai, minh bạch. Phát hành linh hoạt các kỳ hạn trái phiếu Chính phủ để hài hòa nghĩa vụ trả nợ giữa các năm và đảm bảo kỳ hạn phát hành bình quân phù hợp với mục tiêu tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội (9 - 11 năm). Lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ được KBNN điều hành phù hợp với tình hình thị trường và quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, bảo đảm huy động đủ nhu cầu vốn của ngân sách trung ương với chi phí vay phù hợp.
Tính đến ngày 30.6, tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành là 179.892 tỷ đồng, tương đương 45% kế hoạch Bộ giao (400.000 tỷ đồng). Kỳ hạn phát hành bình quân là 12,23 năm. Thời gian đáo hạn bình quân của danh mục là 9,15 năm. Lãi suất phát hành bình quân năm 2023 là 4,13%/năm.