Khó thực hiện tăng lương tối thiểu vùng06/12/2023 - 16:43:00 Dự kiến sau một thời gian trì hoãn họp thương lượng tiền lương tối thiểu vùng, phiên họp lần 2 của Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ diễn ra trong tháng 12. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc tăng lương tối thiểu vùng vào đầu năm 2024 khó thực hiện.
Chưa đưa ra được mức đề xuất tăng Đầu tháng 8, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp phiên đầu tiên, bàn thảo về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024. Kết thúc phiên họp thứ nhất sáng 9/8, Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất thời điểm họp các phiên tiếp theo vào quý IV năm 2023 thay vì vào tháng 7, 8 như thông lệ. Tại phiên họp, về cơ bản, tất cả các thành viên đều chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp (DN), chia sẻ với đời sống của công nhân, người lao động (NLĐ) khi thu nhập chưa đảm bảo mức sống tối thiểu. Bộ phận kĩ thuật đưa ra đề xuất tăng lương vào thời điểm từ 1/1/2024 hoặc 1/7/2024. Mức đề xuất tăng lương tuân theo nguyên tắc lương tối thiểu bằng hoặc cao hơn mức sống tối thiểu. Công đoàn mong muốn điều chỉnh mức lương tối thiểu năm 2024 tăng từ 5-6%. Tuy nhiên, tại thời điểm này chia sẻ về mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2024, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, hiện tại nếu đề xuất chắc chắn mức tăng sẽ có sự thay đổi. Lý giải, ông Hiểu cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chưa thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng trong năm tới, bởi tại mỗi thời điểm sẽ căn cứ tình hình kinh tế - xã hội, sức khỏe của DN và mong muốn của NLĐ mà tính toán mức đề xuất. Đồng thời, tổ chức công đoàn sẽ tiếp tục khảo sát, đánh giá kỹ hơn bức tranh kinh tế - xã hội, sức khỏe của DN để từ đó đưa ra một mức đề xuất cho phù hợp. Việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 là quyết định khó do xu hướng kinh tế còn nhiều khó khăn, DN thiếu đơn hàng, tình trạng lao động thiếu việc làm, thất nghiệp vẫn có thể tăng. Trong khi đó, cuộc sống NLĐ cũng không dễ thở do giảm thu nhập vì thiếu việc làm. Nếu không tăng lương sẽ khó đáp ứng được cuộc sống trong bối cảnh lạm phát và lương cơ sở của khối nhà nước, lương hưu đã tăng từ tháng 7 vừa qua. Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Chính sách, pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), dự báo rất có thể trong tháng 12 này, Hội đồng sẽ họp nhóm lại để tiếp tục bàn thảo, song ông cũng khẳng định mức đề xuất của tổ chức đại diện NLĐ sẽ được bàn bạc, xem xét lại cho phù hợp. Theo ông Quảng, với tình hình hiện nay, lương tối thiểu khó có thể tăng vào đầu năm sau, bởi lẽ, theo quy định xây dựng văn bản pháp luật, sau khi Hội đồng Tiền lương quốc gia “chốt” được mức đề xuất, các bên phải xây dựng nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động trình Chính phủ xem xét rồi mới ban hành. Tăng cường đối thoại, thương lượng Từ năm 2014 đến nay, lương tối thiểu trải qua 8 lần điều chỉnh với mức tăng: 15,2% (năm 2014); 14,2% (năm 2015); 12,4% (năm 2016); 7,3% (năm 2017); 6,5% (năm 2018); 5,3% (năm 2019); 5,5% (từ năm 2020 đến tháng 6/2022); 6% từ tháng 7/2022 đến nay. Dù vậy thực tế cho thấy lương tối thiểu vẫn chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu cho NLĐ. Đại diện Công đoàn ngành Dệt may cho rằng, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng trong năm 2024 cần cân nhắc một mức tăng ở thời điểm phù hợp để đảm bảo hài hòa quyền lợi của cả NLĐ và khả năng cạnh tranh của DN. Việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng nên cân nhắc, so sánh yếu tố tác động việc điều chỉnh lương, tránh tác động tiêu cực với NLĐ, đặc biệt là các yếu tố về tâm lý. Việc điều chỉnh lương cơ sở gần đây đã khiến cho giá cả thị trường tăng theo. Lương danh nghĩa của NLĐ tăng, nhưng lương thực tế giảm đi bởi giá cả tăng, dẫn đến đời sống NLĐ giảm. Đề cập vấn đề này, ông Lê Đình Quảng cho biết, nhiều quốc gia xác định không quan tâm đến tiền lương tối thiểu mà tập trung vào tiền lương đủ sống, làm sao mức lương đó vừa đảm bảo đời sống nhưng NLĐ cũng có một phần tích lũy để giảm thiểu những tình huống rủi ro. “Dịch bệnh vừa qua, NLĐ của chúng ta gặp rất nhiều khó khăn vì một phần chưa tính đến các yếu tố đó. Dần dần, tiền lương tối thiểu chỉ làm đúng chức năng của nó, là sàn thấp nhất bảo vệ NLĐ yếu thế để DN không được trả thấp hơn, đồng thời là căn cứ để các bên thương lượng tiền lương” - ông Quảng nói. Để đảm bảo đời sống cho NLĐ, theo ông Quảng, thời gian tới phải tăng cường đối thoại, thương lượng về tiền lương, bởi lâu nay thương lượng của chúng ta chưa tốt nên thường dựa vào điều chỉnh tăng lương tối thiểu để các DN tăng tiền lương theo. “Thực chất việc này phải thương lượng trực tiếp bằng tiền lương hoặc thỏa ước lao động tập thể, quy chế xây dựng thang, bảng lương hoặc điều chỉnh tiền lương hàng năm. Tăng cường thương lượng, đối thoại trực tiếp về tiền lương sẽ tốt hơn là dựa vào lương tối thiểu để điều chỉnh để tăng theo” - ông Quảng nhấn mạnh. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|