Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong quý III/2021 ước đạt 26,3 nghìn lượt người, giảm 40,3% so với cùng kỳ năm trước. Do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế nên lượng khách đến chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam.

Riêng trong tháng 9, khách quốc tế đến ước tính đạt 9,5 nghìn lượt người, tăng 2,2% so với tháng trước và giảm 31% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 114,5 nghìn lượt người, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 75,6 nghìn lượt người, chiếm 66% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 97,5%; bằng đường bộ đạt 38,5 nghìn lượt người, chiếm 33,6% và giảm 93,4%; bằng đường biển đạt 398 lượt người, chiếm 0,4% và giảm 99,7%.

Ngành du lịch đang nỗ lực khôi phục thị trường trong bối cảnh dịch COVID-19. (Ảnh: HT)

Trong 9 tháng năm 2021, khách đến từ châu Á vẫn cao nhất với 98.291 lượt khách, giảm 96,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Khách đến từ châu Âu đạt 10.382 lượt người, giảm 98,4%. Khách đến từ châu Mỹ đạt 3.984 lượt người, giảm 98,3%.

Do ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch COVID-19 thứ tư, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội nên khách du lịch nội địa 9 tháng qua chỉ đạt 31,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 136.850 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng năm 2021 giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước: Quảng Ninh giảm 31,5%; Đà Nẵng giảm 42%; Cần Thơ giảm 45,3%; Hà Nội giảm 55,4%; Hải Phòng giảm 55,7%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 56,2%; Thừa Thiên - Huế giảm 63,1%; Bình Dương giảm 67,8%; Quảng Nam giảm 82,4%; Khánh Hòa giảm 89,5%.

Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, ngay từ đầu tháng 9/2021, trong bối cảnh dịch bệnh trong nước dần được kiểm soát, thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, Tổng cục Du lịch đã khẩn trương tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch 3228/KH-BVHTTDL triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành.

Giải pháp phục hồi thị trường du lịch nội địa và quốc tế đều đã được đặt ra trong Kế hoạch của Bộ, theo đó sẽ triển khai chiến dịch truyền thông kích cầu du lịch với thông điệp “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn hấp dẫn”. Đồng thời, thực hiện thí điểm đón khách quốc tế an toàn tại Phú Quốc (Kiên Giang). Trên cơ sở đó chuẩn bị từng bước mở rộng ra các điểm đến trong cả nước, bao gồm Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng)...

Trong điều kiện bình thường mới, yếu tố an toàn trong du lịch luôn là mục tiêu hàng đầu. Kế hoạch 3228 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt ra nhiệm vụ tiên quyết là đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch. Trong đó, có 3 yếu tố quan trọng là tiêm phủ vaccine cho người dân và người lao động du lịch; bảo đảm an toàn cho các điểm đến, cơ sở du lịch; tạo điều kiện thuận lợi đi du lịch đối với du khách nội địa và quốc tế có chứng nhận tiêm chủng vaccine.

Hỗ trợ cho mục tiêu này, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ được coi là giải pháp đột phá đảm bảo du lịch an toàn đối với điểm đến, cơ sở cung ứng dịch vụ và khách du lịch. Trong đó, cốt lõi là ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” phục vụ khách du lịch, hệ thống đăng ký và khai báo an toàn COVID-19 (https://safe.tourism.com.vn/) đối với cơ sở dịch vụ du lịch và hệ thống chứng nhận số tiêm chủng vaccine (https://travelpass.tourism.vn/).

Bên cạnh đó, cần hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối, giới thiệu, bán sản phẩm thuận lợi hơn trên môi trường mạng, khai thác giá trị gia tăng từ các nền tảng số. Các doanh nghiệp du lịch được khuyến khích xây dựng các gói sản phẩm kích cầu với các ưu đãi và cam kết về chất lượng; kết nối lại thị trường cả trực tuyến và trực tiếp.

Một giải pháp quan trọng khác là phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng sự thay đổi nhu cầu thị trường sau ảnh hưởng của dịch bệnh, chú trọng phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch ban đêm, du lịch gắn với ẩm thực, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch golf, du lịch chăm sóc sức khỏe... Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng khuyến khích doanh nghiệp nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác xây dựng các chuỗi sản phẩm, dịch vụ có tính bổ trợ cho nhau. Đồng thời, sẽ tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi hoạt động; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch.

Cùng với đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chính thức công bố "Chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19 đợt 4". Chương trình đã đề ra những tiêu chí du lịch an toàn để các địa phương cùng thực hiện. Theo đó, đối với khách du lịch từ 18 tuổi trở lên, phải tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã hồi phục sau khi bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Đối với du khách dưới 18 tuổi, phải có xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR. Doanh nghiệp kinh doanh du lịch (gồm: Lữ hành, lưu trú, vận chuyển, điểm đến) phải thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động; xây dựng các tuyến du lịch và phương pháp vận chuyển theo lộ trình an toàn…

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, chương trình này nhằm đáp ứng nhu cầu khôi phục lại Du lịch Việt Nam, trước tiên là khôi phục du lịch nội địa, trên cơ sở phù hợp một cách linh hoạt, thích ứng, hiệu quả với diễn biến thực tế của dịch bệnh, từng bước chuyển du lịch theo khái niệm mới du lịch an toàn, tiến tới khôi phục du lịch trong bối cảnh sống chung với COVID-19./.