Trong gần hai tháng qua, hàng trăm xe tải chở đầy thức ăn và nước uống đã bị mắc kẹt bên phía Ai Cập để đợi cấp phép đưa hàng viện trợ nhận đạo cần thiết vào Dải Gaza hiện đang bị chiến tranh tàn phá.
Cách biên giới Gaza khoảng 50km, xe tải chở bột mỳ, nước và các mặt hàng viện trợ khác đang xếp hàng dài theo cả hai hướng. Các tài xế cho biết họ đã chờ đợi vài tuần ở đây trong cái nóng Hè thiêu đốt của Ai Cập.
Tình trạng này đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo của Gaza kể từ khi xung đột Hamas-Israel bùng phát vào tháng 10/2023. Các nhóm viện trợ đã cảnh báo về nguy cơ cao xảy ra nạn đói trên khắp vùng lãnh thổ này.
Một số tài xế có xe tải đỗ ở ngoại ô thành phố al-Arish ở bán đảo Sinai của Ai Cập cho hay họ đã không thể cung cấp hàng cứu trợ nhân đạo, kể từ khi Israel mở rộng chiến dịch quân sự tại khu vực biên giới Gaza-Ai Cập vào tháng Năm. Thời gian chờ đợi quá lâu khiến một số thực phẩm bị đem bỏ.
Nhiều xe đã đợi trong 50 ngày và sau đó phải đưa hàng trở về vì thực phẩm đã hết hạn.
Vào tháng Năm, quân đội Israel bắt đầu tấn công thành phố Rafah, phía Nam của Gaza. Kể từ thời điểm đó, cửa khẩu Rafah giữa Gaza và Ai Cập, con đường huyết mạch nối Gaza với thế giới bên ngoài, cho phép việc cung cấp viện trợ và sơ tán bệnh nhân, đã bị đóng.
Các cuộc đàm phán có sự tham gia của Ai Cập, Mỹ và Israel đã thất bại trong việc mở lại cửa khẩu Rafah. Mặc dù hàng viện trợ và thương mại vẫn vào Gaza qua các cửa khẩu biên giới đất liền khác, bằng đường hàng không và đường biển, nhưng nguồn cung quá ít, không đủ đáp ứng nhu cầu.
Việc phân phối hàng viện trợ tại Gaza vốn đã khó khăn từ trước khi Israel tấn công Rafah. Israel đã áp đặt các hạn chế đối với hàng hóa vào khu vực này nhằm ngăn phong trào Hamas tiếp cận.
Một số đoàn xe viện trợ cũng bị nhầm lẫn thành mục tiêu trong các cuộc tấn công của Israel, khiến các nhân viên cứu trợ thiệt mạng.
Tại Gaza, các băng nhóm người Palestine đã tìm cách cướp viện trợ và hàng hóa thương mại. Tình cảnh khó khăn khiến nhiều người dân Palestine cũng đổ về các xe hàng để lấy đi những nguồn cung cấp nhân đạo thiết yếu.
Theo Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Maha Barakat, những người Palestine có thể rời Gaza đều bị suy dinh dưỡng và tình trạng này khiến các vết thương của họ không thể lành. UAE hiện đang tham gia hoạt động sơ tán y tế khỏi Dải Gaza./.