Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 5 tháng đầu năm 2024 tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Ngành chế biến, chế tạo dẫn dắt tăng trưởng, đồng thời là lĩnh vực dẫn đầu về thu hút, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), góp phần tạo nên tăng trưởng ấn tượng của khu vực FDI. Tính chung 5 tháng, cán cân thương mại tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu hơn 8 tỷ USD.
Ngành chế biến, chế tạo đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Như Ý |
Tuy nhiên, tháng 5/2024, Việt Nam nhập siêu trở lại 1 tỷ USD. Nhập khẩu đang có đà tăng vượt bậc trong 2 tháng trở lại đây. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5 ước đạt 33,8 tỷ USD, tăng 12,8% so với tháng trước.
Với những yếu tố kể trên, đặc biệt là việc nhập khẩu tăng mạnh, chuyên gia kỳ vọng Việt Nam sẽ bước vào chu kỳ xuất khẩu vượt trội trong thời gian tới, điểm rơi xuất khẩu vào 2 quý cuối năm. Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế, TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam (tổ chức tư vấn, nghiên cứu kinh tế) nhận định, cùng với nhập khẩu, PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng), IIP… tăng, cho thấy sản xuất phục hồi trở lại. Tốc độ tăng trưởng về sản xuất công nghiệp ở một số ngành cao hơn, kéo theo nhu cầu nhập khẩu hàng hoá, nguyên vật liệu, trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.
Nhập siêu mới trở lại trong tháng 5, theo đó, TS Lê Duy Bình cho rằng, diễn biến này chưa thể xác định rõ ảnh hưởng đến cán cân thương mại hàng hoá cả năm. Hiện tại, Việt Nam xuất siêu hơn 8 tỷ USD. “Nếu nhập siêu kéo dài, tỷ giá có thể chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, với mức xuất siêu như hiện tại, không có áp lực lớn cho tỷ giá”, ông Bình nói.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh (sáng lập viên Think Future Consultancy) nhận định, nhập siêu đang có dấu hiệu tăng trở lại, gây áp lực lên tỷ giá. Vị chuyên gia đề xuất Ngân hàng Nhà nước hạ tỷ giá tham chiếu, kéo giá bán USD của ngân hàng thương mại xuống sát mức giá mua từ dự trữ, giảm mức sinh lời từ việc mua dự trữ để bán lại trên thị trường.
Doanh nghiệp vẫn cần trợ lực
Bên cạnh thực tế sản xuất, xuất nhập khẩu tăng tưởng, khu vực doanh nghiệp cũng có chuyển biến tích cực. Qua 5 tháng của năm 2024, dù số doanh nghiệp rời khỏi thị trường còn cao, nhưng số doanh nghiệp được thành lập mới đã nhiều hơn số đóng cửa. Bình quân mỗi tháng có 19.800 doanh nghiệp gia nhập thị trường, trong khi 19.500 doanh nghiệp rút lui.
Tại phiên Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội chiều 29/5, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo rằng, số doanh nghiệp thành lập mới đã cao hơn số rút lui khỏi thị trường. Ông Dũng đánh giá đây là dấu hiệu hết sức tích cực. Chính phủ sẽ có nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.
Qua tiếp xúc với các doanh nghiệp hội viên, TS Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam cho biết, một bộ phận doanh nghiệp “ngấm” chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã có sự hồi phục, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Vượt qua khó khăn, doanh nghiệp cũng thích nghi tốt hơn với điều kiện mới, đòi hỏi cạnh tranh cao hơn từ thị trường. “Chính sách đã có từ lâu, như “gói” cho vay phục hồi kinh tế thực hiện từ năm 2022, nhưng đến nay, doanh nghiệp mới “ngấm” hỗ trợ, bởi quá trình đưa chính sách đi vào cuộc sống còn chậm”, ông Nam chỉ ra.
Trong bối cảnh doanh nghiệp phục hồi, đại diện cộng đồng DNNVV bày tỏ mong muốn các giải pháp hỗ trợ tiếp tục được thực hiện, đặc biệt là chính sách thuế. “Hỗ trợ về thuế là cách trực tiếp, nhanh nhất, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng sử dụng. Đồng thời, doanh nghiệp cần được hỗ trợ tiếp cận tín dụng, mặt bằng sản xuất, kinh doanh, thủ tục hành chính. Các chính sách cần quan tâm hơn tới đối tượng thụ hưởng là DNNVV, nhóm này chiếm tới 97% doanh nghiệp cả nước, tạo ra hơn một nửa số việc làm cho nền kinh tế”, ông Nam kiến nghị.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, việc tiếp tục chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ tháng 7 đến cuối năm 2024 hết sức cần thiết. Tuy nhiên, doanh nghiệp gặp khá nhiều vướng mắc khi áp dụng chính sách này, xuất phát từ việc phân loại hàng hoá nào phải chịu thuế VAT 10%, hàng hoá nào được giảm VAT xuống 8%. Khó khăn làm tăng chi phí, rủi ro cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án giảm VAT cho tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ, từ mức 10% xuống 8%.
TS Tô Hoài Nam cho rằng, khó khăn còn tồn tại với doanh nghiệp ngành dịch vụ. 60% doanh nghiệp trong nước hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ. Nhóm này có vai trò quan trọng trong cung ứng hàng hoá, hỗ trợ quay vòng sản xuất nhưng lại ít được hỗ trợ.