tham tử hà nội, tham tu ha noi, thue tham tu, thuê thám tử, dịch vụ thám tử, dich vu tham tu, văn phòng thám tử, công ty thám tử,

Kinh tế Việt Nam: Những tín hiệu tươi sáng

Chia sẻ: 

02/01/2025 - 14:23:00


Dự báo về bức tranh kinh tế trong năm 2025, giới chuyên gia nhận định, nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ cao hơn dự kiến nhờ có sự hồi phục tích cực trong năm 2024 và duy trì được các động lực phát triển. Dù vậy, nền kinh tế năm 2025 vẫn sẽ phải đối diện một số thách thức đòi hỏi nhà quản lý cần có những đột phá trong cải cách để duy trì đà tăng trưởng bền vững.

Xuất khẩu hàng hóa đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng kinh tế hàng năm. Ảnh: Quang Vinh.

Xuất khẩu hàng hóa đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng kinh tế hàng năm. Ảnh: Quang Vinh.

Xung quanh vấn đề tăng trưởng kinh tế trong năm 2025, PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia kinh tế: Ông Lương Văn Khôi - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM); TS Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia; GS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Lấy lại đà tăng trưởng trước đại dịch Covid -19

PV: Thưa các chuyên gia, nhìn lại bức tranh kinh tế năm 2024 một cách khái quát, các ông có những đánh giá như thế nào?

Bantron kinhte mr Lương Văn Khôi

Ông Lương Văn Khôi: Kết quả tăng trưởng năm 2024 đã có sự bứt phá lớn, với tốc độ tăng 7,04%, lấy lại đà tăng trưởng trước thời kỳ Covid-19, con số cập nhật gần đây cho thấy tăng trưởng GDP có thể là 7,25%, nhờ vào nhu cầu đối với hàng hóa Việt Nam khá cao, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên toàn thế giới giảm nhưng vào châu Á lại tăng.

Nếu so với các nước khu vực ASEAN, theo nhận định của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vào tháng 10/2024, Việt Nam tăng trưởng cao nhất khu vực.

Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng đồng đều trên cả 3 khu vực: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp, xây dựng và Khu vực dịch vụ. Các chỉ tiêu quan trọng đều đạt và vượt kế hoạch.

Trong năm qua, dù diễn biến địa chính trị phức tạp, khó lường nhưng chúng ta đã tận dụng được những lợi thế đến từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, cùng với đó là nhu cầu tiều dùng của thế giới tăng, nhờ đó tăng trưởng xuất khẩu đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) khi chiếm tỷ trọng khá lớn trong xuất khẩu (khoảng 73% trong năm 2023, khoảng 72% trong năm 2024).

Nhiều người cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng theo chiều rộng, nhưng theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thì kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tiệm cận chiều sâu.

Tuy nhiên, xét về các tồn tại, một trong những điểm nghẽn chính là khu vực kinh tế trong nước chưa đóng góp tỷ trọng lớn trong tăng trưởng; các khu vực kinh tế đầu tàu (bao gồm 5 tỉnh, thành phố là TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu) đang giảm dần tỷ trọng đóng góp trong tổng GDP hiện nay, mà nguyên nhân xuất phát từ các đầu tàu đã tới hạn và có sự vươn lên của các địa phương khác.

Với Hà Nội là Luật Thủ đô, còn TPHCM là Nghị quyết 98 của Quốc hội, với những chính sách này, các đầu tàu kinh tế được kỳ vọng sẽ lấy lại đà tăng trưởng mạnh. Bên cạnh đó, việc đồng loạt thực hiện quy hoạch tại 63 tỉnh, thành phố sẽ tạo nên những bứt phá và đóng góp cho tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Dự báo GDP sẽ bứt phá trong năm 2025.

Bantron kinhte mr Cấn Văn Lực

TS Cấn Văn Lực: Hiện nay, chúng ta đang trong giai đoạn đột phá về thể chế và sắp xếp tổ chức bộ máy. Tuy nhiên, qua thực tế tại các địa phương và doanh nghiệp, tôi nhận thấy vấn đề đồng bộ trong thực thi vẫn là mối quan tâm hàng đầu.

Trong năm 2024 chúng ta đã đối diện với nhiều thách thức và bất lợi do những bất ổn và rủi ro phát sinh từ các cuộc xung đột quân sự đang diễn ra trên thế giới, những tranh chấp địa chính trị giữa các cường quốc. Nhìn lại năm 2024 có một số yếu tố tích cực về tình hình đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu ròng. Tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 11/2024 đạt khoảng 12% cũng là yếu tố tích cực. Kể cả trong bối cảnh lãi suất huy động có tăng nhưng lãi suất cho vay vẫn giảm 1 điểm % từ đầu năm. Đây chính là những yếu tố, diễn biến tích cực trong bối cảnh nền kinh tế đã và đang phục hồi khá rõ nét.

Bantron kinhte mr Hoàng Văn Cường

GS.TS Hoàng Văn Cường: Trong 30 năm qua, dù thu hút FDI còn có những vấn đề chưa hài lòng nhưng rõ ràng khu vực này đã có nhiều tác động tích cực tới nền kinh tế nước nhà, đặc biệt là xuất khẩu, khi FDI chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu gia tăng hàng năm thường có dấu ấn rõ nét của khu vực DN FDI.

Chính bởi vậy, việc thu hút đầu tư vẫn là yếu tố quan trọng để tạo sức bật cho nền kinh tế. Và để Việt Nam tiếp tục duy trì là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư, điều quan trọng là chúng ta cần có kế hoạch thực hiện các biện pháp để bù đắp thuế tối thiểu toàn cầu, chẳng hạn như giảm chi phí và nâng cao năng suất lao động.

ảnh 1
Cộng đồng doanh nghiệp đã và đang có những tín hiệu phục hồi rõ nét. Ảnh: Quang Vinh.

Xu hướng kinh tế năm 2025 sẽ ra sao?

PV: Dự báo của các tổ chức quốc tế cho thấy tình hình kinh tế thế giới đi ngang, khó đoán định, thậm chí có khả năng sẽ phức tạp hơn nữa. Môi trường kinh tế toàn cầu sẽ có sự cải thiện dương hoặc tương đương năm 2024. Vậy đâu là động lực cho tăng trưởng kinh tế nước ta năm 2025?

Ông Lương Văn Khôi: Một số động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2025 cần phải nhìn nhận ngay, đó là: Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát; Cả 3 khu vực kinh tế tăng trưởng ổn định, trong đó khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng tốt hơn; Mức sống dân cư có sự chuyển biến và lượng khách du lịch quốc tế dự kiến vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt để giúp thúc đẩy tăng trưởng thị trường trong nước; Tình hình xuất khẩu và thu hút FDI vẫn là điểm sáng với tốc độ tăng trưởng tích cực.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng ngày một hoàn thiện, nhất là đường bộ cao tốc được kéo dài và mở rộng ra nhiều địa phương giúp tăng kết nối liên vùng, đường điện cao thế 500KV mạch 3 được đưa vào khai thác giúp đảm bảo an ninh năng lượng, nhất là vào mùa khô.

Thu Ngân sách Nhà nước năm 2024 tăng mạnh là cơ sở để Nhà nước tiếp tục tăng chi đầu tư công và chi thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển trong năm 2025.

Ngoài ra, một số chính sách mới được ban hành sẽ giúp hình thành khung thể chế tốt hơn cho phát triển kinh tế, nhất là các luật mới được ban hành trong năm 2023 và năm 2024 như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu có hiệu lực và được thể chế chi tiết.

Sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ và các địa phương trong việc phục hồi nền kinh tế được bộc lộ qua các chính sách hiệu quả, thiết thực.

Đặc biệt, cộng đồng DN có sự phục hồi và có sự tăng trưởng, phát triển rõ nét. Song song đó, hoạt động chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ CMCN 4.0 trong DN và hệ thống chính trị sẽ diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt trong năm tới. Trong việc ứng dụng công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) ảnh hưởng rất lớn tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Xét tại lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, AI giúp dự đoán xu hướng thị trường và cải thiện trải nghiệm khách hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hoá chuỗi cung ứng. AI được dự đoán sẽ đóng góp tới 15,7 nghìn tỷ USD cho GDP toàn cầu vào năm 2030.

Trong bối cảnh đó, chúng ta cần bắt kịp xu hướng AI và dự đoán vai trò ngày càng tăng của AI trong quyết định của người tiêu dùng. Chính bởi vậy sử dụng AI là một trong những yêu cầu cấp bách mà chúng ta phải thực hiện. Một khi ứng dụng AI để nâng cao hiệu quả hoạt động của DN, thì tốc độ tăng trưởng hai con số hoàn toàn trong tầm tay.

TS Cấn Văn Lực: Việt Nam phục hồi rất tích cực trong năm 2024. Năm 2025, các dự báo của thế giới đều cho rằng mức tăng trưởng của Việt Nam khoảng 6,5%. Chúng tôi dự báo tăng trưởng sẽ khoảng 6,6-6,8% hoặc có thể đạt mức cao hơn nếu phấn đấu đạt 7-7,5%.

Nhưng chúng ta cũng cần đánh giá về bối cảnh thế giới. Thế giới đang tăng trưởng chậm lại, lạm phát vẫn ở mức cao hơn so với 10 năm trước. Việt Nam muốn phấn đấu tăng trưởng ở mức cao hơn nên cần có đột phá, ở đây có điểm tích cực là không còn lo lạm phát khi các tổ chức dự báo rằng giá cả sẽ đi ngang, từ giá năng lượng, lương thực thực phẩm. Thậm chí, giá dầu có thể sẽ giảm xuống mức dưới 80 USD/thùng ngay đầu năm tới do có nhiều nguồn cung thay thế, và nhu cầu về dầu có thể giảm một chút so với năm nay, dù có rủi ro địa chính trị phức tạp hơn.

Trong khi đó, kinh tế thế giới vẫn còn thách thức lớn liên quan địa chính trị, lạm phát, lãi suất còn cao. Một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc, EU... cũng tăng trưởng chậm lại. Tăng trưởng của Mỹ dự báo sẽ chậm lại ở mức khoảng 2%, tác động không tích cực đến đầu tư, FDI và du lịch. Đồng thời, biến đổi khí hậu bất thường cũng là một thách thức.

Lạm phát của Việt Nam hiện xoay quanh khoảng 4%, và nếu kiểm soát tốt hơn, lạm phát có thể giảm xuống. Tuy nhiên, với bối cảnh hiện tại, chúng ta mong muốn tăng trưởng ở mức 8%, nên có thể lạm phát sẽ tăng lên khoảng 4,5%.

Để nền kinh tế phát triển bền vững, các ông có khuyến nghị gì?

Ông Lương Văn Khôi: Chúng ta cần khai thác nguồn vốn cho phát triển, như tăng cường hoàn thiện thể chế để định hướng hiệu quả nguồn vốn FDI; khai thác hiệu quả nguồn kiều hối; tăng cường chống lãng phí. Bên cạnh đó nên hoàn thiện hạ tầng cho phát triển. Trong ngắn hạn, tiếp tục tăng đầu tư công để phát triển hạ tầng giao thông như đã xây dựng trong kế hoạch đó là phát triển đường bộ cao tốc và các sân bay.

Trong trung và dài hạn, cùng với việc phát triển hạ tầng giao thông đường cao tốc, các sân bay,… nên đặt trọng tâm hơn vào phát triển hạ tầng thủy lợi và phòng chống thiên tai bởi vì tình hình hạn hán, lũ lụt, sạt lở diễn ra ngày một nhiều, trên diện rộng gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Đồng thời triển khai các thủ tục và bố trí nguồn vốn xây dựng đường sắt cao tốc trục Bắc – Nam, điện hạt nhân,…

Bên cạnh đó là tăng cường chính sách hỗ trợ phát triển, hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh.

Đối với chính sách thu hút đầu tư, cần ưu tiên hơn để lựa chọn và thu hút những nhà đầu tư có những lợi thế sau: lĩnh vực sản xuất kinh doanh có kết nối tốt với các chủ thể trong nước với vùng nguyên liệu và tài nguyên trong nước để tăng tính lan toả trong phát triển; lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất xanh, tuần hoàn; những DN sản xuất ra sản phẩm, nguyên vật liệu thay thế nhập khẩu nhằm khai thác tốt hơn lợi thế so sánh về nguyên liệu, tăng suất siêu cho nền kinh tế; những DN hoạt động sản xuất kinh doanh ở vùng khó khăn hiện chưa thu hút được nhiều từ nguồn FDI.

Đối với chính sách hỗ trợ: Chỉnh phủ vẫn nên tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ như năm trước (như tiếp cận tín dụng từ các ngân hàng thương mại; chính sách miễn giảm thuế; chính sách gia hạn thời gian nộp thuế) nhưng nên thu hẹp đối tượng thụ hưởng so với những năm dịch Covid-19; khi thu hẹp đối tượng thì mức hỗ trợ cho từng đối tượng sẽ tăng, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm hơn.

Cuối cùng cần hỗ trợ tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu. Vì xuất khẩu đóng góp rất lớn vào tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Song, cần chú trọng công tác phòng vệ thương mại trước xu hướng gia tăng khá nhanh các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, hỗ trợ DN tận dụng các cam kết trong các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới và hoặc lớn. Tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và xúc tiến xuất khẩu cấp nhà nước để ngày càng mở rộng hơn danh sách hàng hoá của Việt Nam được xuất khẩu, trước hết là 5 đối tác thương mại lớn hiện nay.

TS Cấn Văn Lực: Cần lưu ý, rằng đột phá về thể chế là yếu tố rất quan trọng. Sự quyết tâm tinh gọn tổ chức bộ máy cũng là một đột phá tạo nên những đổi mới.

Doanh nghiệp cần tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất… để cơ cấu lại hoạt động, kiểm soát rủi ro tài chính, dòng tiền.

Nắm bắt các xu hướng phát triển xanh hóa và số hóa, tích hợp các yếu tố ESG, phát triển bền vững; đón đầu xu hướng công nghệ, nhất là các công nghệ mới (AI, tự động hóa, an ninh mạng...).

Đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, đối tác, chuỗi cung ứng, sản phẩm – dịch vụ, nguồn vốn khả thi cho chuyển đổi xanh, kinh doanh tuần hoàn, tham gia thị trường tín chỉ carbon.

Nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro, nhất là rủi ro pháp lý, tài chính, an ninh mạng, thông tin - dữ liệu, xuất xứ hàng hóa, yêu cầu xanh hóa, bảo hộ thương mại…. Đồng thời, tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới và từ việc nâng cấp quan hệ Việt Nam với Mỹ, Nhật Bản, Úc, Malaysia….

Với độ mở của nền kinh tế, Việt Nam không tránh khỏi những tác động trực tiếp và gián tiếp trước việc các nước lớn có kế hoạch thay đổi chính sách.

GS. TS Hoàng Văn Cường: Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2024, tăng trưởng kinh tế ước đạt trên 7% GDP (vượt mức mục tiêu đề ra là 6 - 6,5% GDP), thuộc nhóm số ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Dự báo cho năm 2025, thu hút FDI vẫn rất tốt nhờ sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào nội lực của kinh tế Việt Nam.

Về các chỉ tiêu, mục tiêu của Quốc hội đề ra tăng trưởng từ 6,5-7% nhưng Chính phủ kỳ vọng tăng trưởng 8%. Điều này có cơ sở vì kinh tế Việt Nam hiện nay đang quay lại giai đoạn tăng trưởng mạnh của năm 2016-2019.

Các yếu tố khác như tỉ giá đồng tiền Việt Nam ổn định, giúp các nhà đầu tư yên tâm. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế liên tục tăng hạng cho Việt Nam, gần đây nhất là BA2, BB.

Việt Nam cũng khai thác hiệu quả các FTA và trong thời gian tới sẽ tiếp tục đa dạng hóa thị trường, hạn chế rủi ro khi xuất khẩu tập trung vào một số thị trường như trước đây. Việt Nam cũng đang tháo gỡ các vấn đề về chi phí logistics để thu hút FDI.

Xu hướng FDI đang thay đổi. Trước đây, nhà đầu tư tìm lao động giá rẻ nhưng giờ họ đầu tư vào khoa học công nghệ và công nghệ cao.

Các dự án luật thông qua mới đây cũng sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo động lực phát triển kinh tế. Việt Nam có thể tăng trưởng 2 con số trong đó có yếu tố thu hút FDI công nghệ cao.

Trân trọng cảm ơn các chuyên gia!

Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
captcha
Cổng thông tin tỉnh hải dương cổng thông tin hội đồng nhân dân

Lịch phát sóng

Giá vàng JSC
Khu vực Mua vào Bán ra
Ngoại tệ
Mã NT Mua TM Mua CK Bán
USD 23.00 23.00 23.00
SGD 17.00 17.00 17.00
JPY 159.90 161.52 169.28
GBP 29.00 29.00 30.00
EUR 25.00 25.00 26.00
CAD 17.00 17.00 17.00
AUD 15.00 15.00 15.00

Thông tin thời tiết

Dự báo thời tiết Hải Dương

Hôm nay, 05/01/2025

°C -°C

°C -°C

°C -°C
Theo TTKTTV