Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 diễn ra trong 3 ngày 26, 27, 28/6. Kỳ thi năm nay đặc biệt hơn những năm khác, bởi đây là năm thi cuối cùng thí sinh thi theo chương trình GDPT 2006. Từ năm 2025, học sinh toàn quốc sẽ bắt đầu kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.
Ông Huỳnh Văn Chương, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ dạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 đánh giá, đến thời điểm này, kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc theo đúng quy chế.
Năm nay cả nước có tổng số 1.071.393 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, số thí sinh đăng ký trực tuyến là 1.014.020, chiếm 94,66% tổng số thí sinh, số thí sinh đăng ký trực tiếp là 57.373, chiếm 5,34%. Tổng số thí sinh tự do là 46.978, chiếm 4,38%.
Theo Bộ GD-ĐT, đây cũng là năm có số lượng thí sinh tự do cao bất ngờ, nhiều thí sinh từ các năm trước đều đăng ký thi trước khi kỳ thi có những thay đổi lớn theo chương trình mới.
Toàn quốc có 2.323 điểm thi, với tổng số 45.149 phòng thi. Các diểm thi đặt tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, tạo tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài, đồng thời không gây áp lực về giao thông tại các thành phố lớn.
Kỳ thi năm nay được đánh giá là diễn ra êm ả, nhẹ nhàng, khi không có các hiện tượng gian lận thi cử bằng công nghệ cao, thí sinh cả nước đi thi trong điều kiện thời tiết thuận lợi, đề thi được đánh giá phù hợp cho năm thi cuối cùng của chương trình GDPT 2006.
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, năm nay toàn quốc có 30 thí sinh vi phạm quy chế thi, con số này giảm so với năm ngoái 11 em. Đặc biệt không có giám thị vi phạm quy chế trong quá trình coi thi.
Về đề thi, trước ngày thi trên mạng xã hội xôn xao việc đề thi Ngữ văn bị lộ, Bộ GD-ĐT đã lập tức đề nghị Bộ Công an phối hợp điều tra, xác minh và xác định được đối tượng tung tin thất thiệt về việc lộ đề. Thí sinh và phụ huynh yên tâm bước vào kỳ thi, thế nhưng ngay khi kết thúc ngày thi môn Ngữ văn, một lần nữa lại dấy lên những nghi ngại về sự trùng hợp một số ý giữa đề thi được lan truyền trên mạng trước đó và đề thi chính thức.
Về việc này, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Trưởng ban Đề thi khẳng định không có việc lộ, lọt đề thi.
Bên cạnh đó, tại Đắk Lắk cũng xảy ra tình trạng hàng chục mã đề thi môn Toán bị in mờ một số câu hỏi, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu tỉnh này báo cáo phương án xử lý, trong đó nhấn mạnh phương án cần đảm bảo quyền lợi của thí sinh.
Kỳ vọng vào đề thi có thêm nhiều đổi mới trong năm tới
Đề thi các môn năm nay được giáo viên nhận xét bám sát đề thi minh họa Bộ GD-ĐT đã công bố trước đó, cấu trúc đề thi vẫn giữ ổn định như những năm trước, song đã có thêm những câu hỏi mang tính thực tế, tiệm cận dần với những yêu cầu của chương trình GDPT 2018.
Thầy Nguyễn Công Chính, giáo viên môn Toán lại Hà Nội cho biết, đề năm nay có mức độ khó tăng hơn hẳn với năm 2023, có sự khác biệt và tính phân loại cao hơn đề minh họa 2023. Đề có sự tương đồng về cấu trúc so với đề thi năm 2023, tuy nhiên các dạng câu hỏi từ 40 trở đi có nhiều sự mới lạ và phức tạp. Nhìn tổng quan đề thi năm nay đáp ứng được cả 2 mục tiêu là xét tuyển tốt nghiệp và có thể dùng kết quả làm căn cứ tuyển sinh đại học. Về mức độ khó và tính phân loại có thể thấy gần ngang ngửa so với đề năm 2018 mang tính “lịch sử”.
Thầy Vũ Hải Nam - giáo viên môn Địa lý Trường THPT chuyên KHXH&NV cũng đánh giá, so với đề thi minh họa 2024, đề thi chính thức bám rất sát ma trận của đề thi minh họa đã được Bộ GD-ĐT đã công bố, nội dung nằm hoàn toàn trong chương trình Địa lí lớp 12, phù hợp với nội dung được điều chỉnh thực hiện trong năm học 2023 - 2024. Các câu hỏi có sự đan xen giữa lí thuyết và thực hành nên thí sinh dễ dàng phân loại được thí sinh theo trình độ. Đề thi có nhiều câu hỏi yêu cầu sử dụng kĩ năng Địa lí, đòi hỏi thí sinh phải vận dụng kĩ năng tra cứu, tính toán của môn học. Các câu hỏi phân hóa thí sinh đòi hỏi học sinh phải có tư duy mạch lạc, có kiến thức xã hội rộng, nắm bắt được các thông tin thời sự cập nhật, có năng lực giải quyết vấn đề và tư duy phản biện cao.
Với môn Ngữ văn, TS Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn cho rằng, đề thi đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp THPT, cũng phù hợp với yêu cầu cho một kì thi cuối cùng của Chương trình Giáo dục ra đời cách đây gần hai thập kỉ.
Hai phần Đọc hiểu và Làm văn trong đề đều theo mô hình cơ bản từ kì thi năm 2017 đến nay với cấu trúc, kiểu dạng và mức độ nhận thức trong các câu hỏi không có những bất ngờ vốn luôn bao hàm sự mới mẻ với thí sinh, không làm khó nhưng cũng không đem tới nhiều sự hứng thú, yếu tố vốn không nên thiếu khi tới với văn chương. Khả năng phân loại của đề vẫn là sự phân loại của các mức độ đọc hiểu và cảm thụ văn bản, sự phân loại được ghi nhận bởi cách đánh giá tinh tế, chính xác của giám khảo.
TS Trịnh Thu Tuyết kỳ vọng rằng, bắt đầu từ năm 2025, khi thi theo Chương trình Giáo dục 2018, khi các ngữ liệu trong đề thi hoàn toàn là những văn bản bên ngoài sách giáo khoa, đề thi Ngữ văn trong kì thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ đem lại nhiều hứng thú, thách thức và cơ hội cho các thí sinh yêu văn chương, ham hiểu biết, khám phá, có tư duy độc lập, không thích đi theo lối mòn.
Phụ huynh, thí sinh thở phào, bắt đầu kỳ nghỉ hè đặc biệt
Kết thúc kỳ thi, hơn 1 triệu thí sinh và phụ huynh trên cả nước chính thức được nghỉ hè sau thời gian dài học tập căng thẳng, mệt mỏi. Kỳ nghỉ hè này đặc biệt hơn những năm khác, bởi đây là kỳ nghỉ hè cuối cùng của bậc phổ thông.
Trả lời phỏng vấn ngay sau kết thúc buổi thi cuối cùng, không ít thí sinh chia sẻ, mong ước đầu tiên sau khi thi xong là được ngủ bù sau những ngày thức khuya ôn bài, hay được thoải mái với những đam mê, sở thích riêng.
Bùi Ngọc Nhi (THPT Yên Hòa, Hà Nội) chia sẻ: “Thi xong em cảm thấy rất nhẹ nhõm vì không còn phải ôm sách vở, căng thẳng. Em sẽ dành thời gian để ngủ nướng, đi liên hoan cùng bạn bè, sau đó sẽ có thời gian nghỉ dưỡng, “chữa lành” cùng gia đình, tạm gác lại việc học, đợi kết quả thi và tiếp tục bắt đầu một hành trình mới”.
Sau nhiều ngày áp lực, Nguyễn Minh Anh (Hà Đông, Hà Nội) được thỏa sức với đam mê làm bánh của mình: “Cả năm học lớp 12 em hầu như không có thời gian cho những sở thích của riêng mình. Ngay sau khi thi xong, em muốn làm một mẻ bánh thật ngon dành cho gia đình. Việc vào bếp giúp em cảm thấy thoải mái, hết những căng thẳng của kỳ thi”.
Kỳ thi không chỉ áp lực với thí sinh, với phụ huynh cũng căng thẳng, áp lực không kém. Chị Thu Hường (Hải Dương) chia sẻ: “Con đi thi bố mẹ cũng đi thi, trong suốt hành trình con học và ôn tập, bố mẹ luôn phải kề cận, đồng hành cùng con. Con làm bài trong phòng thi hồi hộp, căng thẳng bao nhiêu, bố mẹ cũng nóng lòng bấy nhiêu, chỉ mong con có thể làm bài tốt như những gì đã chuẩn bị. Kết thúc kỳ thi, cả con và bố mẹ đều được thở phào nhẹ nhõm, giải tỏa những áp lực, căng thẳng.
Anh Vũ Bình Long (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, trong mấy ngày thi, dù công việc bận rộn, nhưng anh vẫn gác lại tất cả để đưa và đợi con thi: “Từ hôm đi làm thủ tục đến buổi cuối cùng này tôi luôn là người đưa đón và đồng hành cùng với con. Bố mẹ lo lắng lắm nhưng cũng phải cố gắng để cho con thêm phần tự tin. Sau mỗi môn thi con đều chia sẻ là làm bài khá ổn là tôi thấy nhẹ nhõm. Mấy ngày con đi thi, hầu như vợ chồng tôi đều thấp thỏm, ngủ không yên, chỉ sợ ngủ quên sẽ muộn mất giờ con thi. Kết thúc kỳ thi, cũng là kết thúc một hành trình đầy vất vả, bởi ngay khi con thi vào lớp 10 cũng là giai đoạn dịch bệnh đang bùng phát mạnh, việc học bị ảnh hưởng nhiều, đến nay cũng là năm cuối cùng thi theo chương trình 2006, bạn nào cũng mong mình đạt được nguyện vọng để “cuốn chiếu”, có thể bước sang một bậc học mới. Hành trình tiếp theo là việc chọn trường, chọn ngành, tôi luôn tôn trọng sở thích, đam mê riêng của con".