Có thể nói tình trạng thiếu giáo viên cục bộ đang diễn ra ở nhiều địa phương và kéo dài lâu nay, đặc biệt là giáo viên bậc mầm non. Đây là lý do mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức đề xuất Bộ Nội vụ bổ sung hơn 95.000 biên chế cho các cấp học, chủ yếu là giáo viên mầm non.

Thời gian gần đây do dịch Covid-19 kéo dài, trường học đóng cửa, nhiều giáo viên mầm non, đa phần là ở khu vực ngoài công lập đã bỏ việc, chuyển sang làm việc khác.

Tình trạng này đã dẫn đến áp lực càng lớn cho giáo dục ở khu vực công lập. Chỉ tính riêng ở TP HCM, trong tổng số hơn 12.000 cán bộ, giáo viên ngành giáo dục và đào tạo bị mất việc làm do dịch Covid-19, có hơn 10.000 người của bậc mầm non.

Chính vì thế khi các trường học mở lại sẽ không có giáo viên đứng lớp, nhất là các trường ngoài công lập, nhóm trẻ. Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều trường ngoài công lập có nguy cơ đóng cửa, ngừng hoạt động và kéo theo nỗi lo thiếu chỗ học cho trẻ em khi đi học trở lại.

Vấn đề thiếu giáo viên ở bậc học mầm non đã tồn tại trong thời gian khá dài nhưng chưa được quan tâm giải quyết căn cơ, rốt ráo. Giáo viên mầm non là công việc khá vất vả, được ví là "vừa phải dạy, vừa phải dỗ", phải chăm sóc các bé từ sáng sớm đến chiều muộn.

Tuy vậy, do không có chỉ tiêu biên chế nên nhiều giáo viên mầm non phải dạy hợp đồng, công việc bấp bênh nên nhiều người chỉ làm tạm thời trong thời gian tìm việc và sẵn sàng bỏ việc khi tìm được công việc tốt hơn. Và như vậy, điệp khúc thiếu giáo viên mầm non tiếp diễn.

Để giải quyết triệt để tình trạng thiếu giáo viên nói chung, giáo viên mầm non nói riêng, cơ quan chức năng cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa.

Trước hết, cần tổ chức sắp xếp lại hệ thống các trường công lập, nhất là các trường mầm non theo hướng sáp nhập các trường, điểm trường nhằm giảm tối đa đầu mối, bộ máy quản lý, hành chính phục vụ trung gian để tăng số lượng giáo viên đứng lớp.

 

Tiếp đó, tuyển dụng đủ số lượng giáo viên đang còn thiếu, không nên tinh giản biên chế đối với đội ngũ này vì tính chất chất đặc thù công việc của họ.

Ngoài ra, cơ quan chức năng, chính quyền từng địa phương cần có cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để tạo điều kiện thuận lợi trong đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, nhất là bậc mầm non, tiểu học. Nhà nước cần hỗ trợ về thuê mặt bằng, thuế sử dụng đất, các khoản thuế, phí khác.

Có thể xem xét hỗ trợ một phần bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho giáo viên mầm non khu vực ngoài công lập để khuyến khích, tạo động lực cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục yên tâm đẩy mạnh đầu tư, còn đội ngũ giáo viên yên tâm giảng dạy, công tác.

Có như vậy mới giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu giáo viên bậc học mầm non diễn ra trong thời gian dài. Điều này không những ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ em mà còn không nâng cao được chất lượng, không ổn định đội ngũ giáo viên ở bậc học rất quan trọng này.

Phạm Văn Chung