Lãi suất vay khó biến động26/11/2024 - 14:48:00 Hiện lãi suất huy động có xu hướng tăng, trong khi cộng đồng doanh nghiệp đang cấp tập vay vốn để đẩy mạnh sản xuất dịp cuối năm.
Tiền gửi tiếp tục chảy vào ngân hàng Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tiền gửi của các tổ chức kinh tế có sự cải thiện, hết tháng 8/2024 đạt hơn 6,83 triệu tỷ đồng (tháng 7/2024 đạt hơn 6,76 triệu tỷ đồng). Nếu so với cuối năm 2023, tiền gửi các tổ chức kinh tế chỉ giảm nhẹ 0,05%. Có thể thấy, tiền gửi của tổ chức kinh tế đang có xu hướng quay trở lại hệ thống ngân hàng kể từ quý II/2024 trở lại đây. Song song với lượng tiền gửi vào ngân hàng tăng, thời gian rất gần đây nhiều ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất đặc biệt rõ nét ở các kỳ hạn ngắn. Cụ thể, lãi suất huy động HDBank điều chỉnh tăng ở một số kỳ hạn. Theo đó, HDBank tăng 0,2%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng và 0,1%/năm kỳ hạn 12-13 tháng. Sau điều chỉnh, kỳ hạn 6 tháng tăng lên 5,3%/năm, 12-13 tháng tăng lên lần lượt là 5,6% và 5,8%/năm. VIB cũng vừa tăng 0,1%/năm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng. Thống kê cho biết, tính từ đầu tháng 11 đến nay, có 12 ngân hàng tăng lãi suất huy động. Đáng chú ý việc tăng lãi suất đã mở rộng sang cả với nhóm ngân hàng quốc doanh, trong đó tính từ đầu tháng 11 đến nay Agribank đã 2 lần tăng lãi suất. Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu, nhu cầu vốn tăng mạnh vào cuối năm khi các doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, buộc các ngân hàng phải đưa ra mức lãi suất hấp dẫn để thu hút tiền gửi. Thêm vào đó, tỷ lệ nợ xấu gia tăng khiến ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn, ảnh hưởng đến lợi nhuận và hạn chế khả năng giảm lãi suất. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng lớn có thể tăng thêm khoảng 50 điểm phần trăm, đạt mức 5,2 - 5,5% vào cuối năm 2024. Lãi suất cho vay có tăng? Lãi suất huy động tăng, câu hỏi được đặt ra lãi suất cho vay sẽ như thế nào, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp cần vốn cho sản xuất cuối năm? Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, thời gian qua diễn biến trên thị trường tiền tệ quốc tế rất phức tạp. Đồng USD biến động mạnh, có giảm vào tháng 9/2024 nhưng sau đó tăng mạnh vào tháng 10. Do đó, việc ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá rất khó khăn, phụ thuộc lớn vào cung – cầu ngoại tệ thực của nền kinh tế. “Áp lực tỷ giá khiến lãi suất khó giảm thêm. Nếu NHNN giảm lãi suất thì tỷ giá lại tăng, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút vốn khi tỷ giá diễn biến không như kỳ vọng. Do đó, thời gian qua, NHNN đã tích cực chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay” - bà Hồng thông tin. Với vấn đề nợ xấu gia tăng, bà Hồng cho biết nhu cầu vốn tín dụng đang có xu hướng tăng, thời gian tới sẽ tạo áp lực tới mặt bằng lãi suất và nợ xấu là trở ngại khiến ngân hàng thương mại khó giảm thêm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, NHNN cho biết vẫn sẽ cố gắng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ DN. Mới đây, cơ quan này đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Theo đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ theo chỉ đạo của NHNN trong năm 2024 nhằm hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình cho vay để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM nhận định, với việc ban hành quyết định này, cùng các giải pháp về cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng... sẽ là cơ sở để các tổ chức tín dụng và ngành ngân hàng giảm lãi suất cho vay hoặc giữ ổn định lãi suất cho vay bền vững. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|