Làn gió mới trong giáo dục17/11/2024 - 07:01:00 Trong thời đại công nghệ số, việc học không còn đơn thuần là những trang sách, bảng phấn, mà trở nên đa dạng và linh hoạt hơn nhờ sự xuất hiện của các công nghệ giáo dục tiên tiến.
Trước mỗi buổi dạy, cô Thu An, một giáo viên trẻ tại Hà Nội lại ngồi kiểm tra lại thông tin bài giảng trên chiếc iPad. Đã từ lâu, chiếc máy tính bảng này trở thành một công cụ gắn liền với các tiết học của cô. "Quá trình dạy và học yêu cầu giáo viên cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và nhiều thao tác, quá trình, cụ thể như trước, trong, sau giờ học, cần đảm bảo sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, cũng như giáo viên và phụ huynh. Các công cụ trên giúp quá trình giảng dạy của tôi hiện đại hơn, cập nhật, tiện lợi hơn. Trước kia, khi thời tiết quá lạnh, hoặc có các biến cố, lớp học thường sẽ nghỉ và được hoãn lại. Nhưng qua sự thay đổi và chuyển mình của giáo dục trong và sau Đại dịch COVID-19 , nhiều hình thức học mới ứng dụng công nghệ dần trở nên phổ biến hơn và được đón nhận rộng rãi", cô Thu An chia sẻ. Thay đổi tương tác giữa cô và trò Các công cụ ứng dụng công nghệ đã dần dần trở nên quen thuộc trong các lớp học trong những năm gần đây. Những TV, máy tính, máy chiếu từ lâu đã góp mặt trong các tiết học, giúp đỡ cả cô và trò trong quá trình truyền tải kiến thức. Chia sẻ với Lao Động, cô Thu An cho biết, các công cụ công nghệ có thể được chia thành các nhóm khác nhau, bao gồm thiết bị hỗ trợ trình chiếu như máy chiếu, laptop, iPad, micro thu âm, hay ứng dụng hỗ trợ dạy học như Zoom, GoodNotes. Bên cạnh đó, giáo viên còn thường sử dụng các ứng dụng lưu kho học liệu như YouTube, OBS hay các ứng dụng hỗ trợ tương tác như Messenger, Zalo. Với sự hỗ trợ này, học sinh thậm chí có thể tham gia lớp học theo hình thức online và trực tiếp trong cùng một tiết học. "Bên cạnh dạy học trực tiếp, tôi vẫn thường dạy học qua live stream. Khi đó, lớp học được mở rộng, nhiều học sinh ở xa cũng sẽ được học tập và kết nối với tri thức, không bị giới hạn về số lượng học sinh có thể tham gia một lớp, học sinh có thể xem lại bài giảng. Tuy nhiên, vẫn có những hạn chế mà giáo viên cần phải để tâm khi dạy qua live stream. Khi học online, ý thức tự giác và tinh thần học tập của học sinh sẽ trở thành một yếu tố quyết định hiệu quả của tiết học đó. Giáo viên mặc dù có thể yêu cầu học sinh bật camera, gọi học sinh để tương tác và trả lời, nhưng thường các bạn sẽ ngại bật camera, bật micro, lý do như máy hỏng trở thành những câu trả lời quen thuộc khi trong lớp học online. Không chỉ vậy, giáo viên sẽ không thể quan sát kịp thời tiến độ làm bài, khó có thể hỗ trợ kịp thời do không trực tiếp bên cạnh người học", cô An chia sẻ thêm. Công nghệ là làn gió mới trong giáo dục Giáo dục luôn là một lĩnh vực biến đổi không ngừng nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và các thế hệ tương lai. Trong thời đại công nghệ số, việc học không còn đơn thuần là những trang sách, bảng phấn, mà trở nên đa dạng và linh hoạt hơn nhờ sự xuất hiện của các công nghệ tiên tiến. Những cải tiến này không chỉ giúp học sinh học tập hiệu quả hơn mà còn hỗ trợ giáo viên trong việc truyền đạt kiến thức một cách sáng tạo và sinh động. Ngoài máy tính cá nhân, bảng trắng tương tác cũng được sử dụng rộng rãi để tạo ra các bài giảng sinh động. Nhờ tính năng tương tác, bảng trắng giúp giáo viên lôi cuốn học sinh vào bài học qua các yếu tố đa phương tiện, khuyến khích các em tham gia tích cực và hứng thú hơn với nội dung học. Bên cạnh đó, các nền tảng quản lý học tập (LMS) cũng đã trở thành một phần quan trọng trong hệ thống giáo dục hiện đại. Các nền tảng như Google Classroom hay Moodle giúp giáo viên tổ chức, phân phối bài tập, theo dõi tiến độ học sinh và giảm bớt khối lượng công việc quản lý. Không chỉ vậy, LMS còn là cầu nối giữa giáo viên, học sinh và phụ huynh, giúp việc giao tiếp và phản hồi trở nên dễ dàng và hiệu quả. Trong vài năm gần đây, công nghệ thực tế ảo (VR) đã được nhiều trường học ứng dụng để mang lại những trải nghiệm học tập đắm chìm. Thực tế ảo cho phép học sinh khám phá môi trường và kiến thức mới một cách sinh động, từ việc tham quan các địa điểm lịch sử, trải nghiệm các hiện tượng khoa học cho đến khám phá văn hóa của các quốc gia xa xôi. Đây là một cách học độc đáo, giúp học sinh không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn ghi nhớ lâu hơn nhờ vào các trải nghiệm trực quan. Các nền tảng học tập thích ứng cũng là một xu hướng nổi bật trong giáo dục công nghệ. Những nền tảng này sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích phong cách học tập của học sinh và điều chỉnh nội dung cho phù hợp, giúp mỗi em có một lộ trình học riêng, tối ưu hóa hiệu quả học tập. Các công cụ học tập thích ứng giúp đảm bảo rằng học sinh không bị bỏ lại phía sau mà luôn có cơ hội tiến bộ theo khả năng riêng của mình. Không chỉ trong công việc, là một giáo viên thuộc thế hệ Z, cô An cũng thường sử dụng các ứng dụng công nghệ để tăng khả năng tương tác, kết nối với học sinh của mình. Theo cô, một giáo viên - cũng như một người hướng dẫn của các bạn trẻ, thấu hiểu tâm lý trẻ và có thể làm bạn, điểm tựa niềm tin để học sinh có thể chia sẻ. Công nghệ giúp giáo viên cập nhật hơn với các xu thế, tin tức và xu hướng của các bạn trẻ, có những chủ đề chung và “bắt được tần số” của các bạn ấy. "Có một thời gian tôi đã tải thử ứng dụng Locket để trải nghiệm xem ứng dụng này là gì, vì lúc nào cũng thấy học sinh í ới nhau “Locket đi các cậu”, hoặc sử dụng TikTok, có những bài nhảy, múa tay đơn giản mà tôi có thể nhớ được để quay cùng học sinh. Công nghệ cũng kéo cô và trò gần nhau hơn, có nhiều kỉ niệm đẹp hơn", cô An cho biết. Theo Lao Động
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|