Nguồn gốc, ý nghĩa của lễ Vu Lan
Theo quan niệm của Phật giáo, Rằm tháng 7 gắn với lễ Vu Lan, xuất phát từ sự tích về Đức Mục Kiền Liên cứu mẹ thoát khỏi kiếp ngạ quỷ.
Kinh Vu Lan chép rằng, bà Thanh Đề (mẹ của Mục Kiền Liên) là một người sống xa hoa, tham lam, độc ác và không tin vào Tam Bảo. Thường ngày, bà nấu rất nhiều thức ăn và làm vương vãi khắp nơi trên mặt đất.
Mục Kiền Liên hiền lành, chịu khó, trái ngược hoàn toàn với mẹ. Ngài được mọi người xung quanh yêu mến, khen ngợi hết lời.
Sau khi bà Thanh Đề qua đời, Mục Kiền Liên xin xuất gia và trở thành đệ tử của Đức Phật. Qua tu luyện thành công, Mục Kiền Liên biết nhiều phép thần thông, có thể dùng mắt thần nhìn khắp trời đất.
Ngài thấy mẹ mình đang ở cõi địa ngục, bị đọa đày và đói khát khổ sở. Với lòng hiếu thảo của mình, Mục Kiền Liên đem cơm xuống địa ngục để dâng cho mẹ.
Tuy nhiên, do đói lâu ngày nên khi ăn, mẹ ông đã dùng một tay che bát cơm của mình, không cho các cô hồn khác đến tranh cướp. Vì vậy, thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ.
Thấy vậy, Mục Kiền Liên tìm Đức Phật để hỏi cách cứu mẹ. Đức Phật dạy, dù Mục Kiền Liên thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ, chỉ có cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong việc giải cứu thành công.
Rằm tháng 7 thích hợp để cung thỉnh chư tăng, nên sắm sửa lễ cúng vào ngày đó. Làm theo lời Phật dạy, Mục Kiền Liên đã giải thoát được cho mẹ. Phật dạy chúng sinh ai muốn báo hiếu cha mẹ cũng nên làm theo. Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời.
Ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan báo hiếu
Nhắc tới Vu Lan, nhiều người biết ngay đến ý nghĩa của ngày lễ này là để báo hiếu tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Với người Việt, đạo hiếu luôn đi đầu. Vì vậy vào ngày này, con cái thường thể hiện tấm lòng hiếu thuận với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.
Tổ tiên, ông bà, cha mẹ không chỉ sinh thành ra mình, mà còn có ơn dưỡng dục. Ngày lễ Vu Lan ra đời là dịp gợi nhắc các thế hệ con cháu nhớ về những công ơn như trời biển ấy.