Cờ Tổ quốc trên đảo Cô Tô
Cách đây hơn 1 năm, ngày 14/3/2022, cột cờ ở huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh được khởi công. Công trình này do Trường Đại học Giao thông - Vận tải chủ trì, phối hợp cùng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng và trao tặng huyện đảo. Chiều cao của cột cờ tại Cô Tô đúng bằng cột cờ tại Quảng trường Ba Đình (Thủ đô Hà Nội).
Nơi đây là vùng biển nhiều sóng gió nên bệ móng công trình được thiết kế vững chắc, bảo đảm chịu được gió bão cấp 12, với độ bền hơn 70 năm; hệ thống tời điện được lập trình để lá cờ được kéo lên đỉnh cột đúng bằng thời gian bài Quốc ca tại Quảng trường Ba Đình hay sử dụng cho các Đại lễ của đất nước, lá cờ Tổ quốc dùng trong lễ thượng cờ được chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng trao tặng cho quân và dân Cô Tô.
Nhớ lại hành trình đoàn công tác rước lá cờ từ Lăng Bác về đảo tiền tiêu, nhiều người dân gắn bó với huyện đảo giờ đây không khỏi bồi hồi xúc động. Đêm 19/4/2022, một nghi lễ thiêng liêng, trang trọng được tiến hành tại Quảng trường Ba Đình, trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những người con của huyện đảo Cô Tô vô cùng xúc động khi dự lễ thượng cờ, ngắm nhìn lá cờ đã treo tại Quảng trường lịch sử từ từ hạ xuống. Ngày hôm ấy, lá cờ Tổ quốc rộng 4,5m, dài 6,2m do Thiếu tướng Bùi Hải Sơn, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tận tay Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Nguyễn Việt Dũng.
Ông Dũng cho biết: "Hành trình đón lá cờ Tổ quốc từ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Mình về với Cô Tô, đó là sự tự hào và trách nhiệm, thể hiện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân trên đảo. Chứng kiến lá cờ đã tung bay tại cột cờ Ba Đình, một lần nữa tung bay trên cột cờ Cô Tô, một cảm xúc khác trong tôi được nhân lên, thấy như ở lá cờ đó có lồng cả tình yêu của Thủ đô Hà Nội và cả nước dành cho biển đảo Cô Tô".
Ngày 26/4/2022, huyện Cô Tô tổ chức khánh thành cột cờ Tổ quốc trên đảo nhân dịp kỷ niệm 61 năm Ngày Bác Hồ ra thăm Cô Tô. Từ đó đến nay, nghi lễ chào cờ thiêng liêng vẫn được tổ chức đều đặn vào thứ 2 đầu tuần, nghi lễ hạ cờ, thượng cờ diễn ra vào những ngày lễ quan trọng và mỗi tối thứ 6, sáng thứ 7 hàng tuần.
Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch khẳng định: "Bác đã đến thăm đảo Cô Tô, sinh thời đây là nơi duy nhất Người đồng ý cho dựng tượng của mình, qua đó thể hiện được tình cảm và tấm lòng của Bác dành cho Cô Tô. Hiện nay, huyện đảo đã xây dựng không gian văn hóa bao gồm tượng đài, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lễ thượng cờ tại huyện đảo rất ý nghĩa, đặc biệt là tại vùng biển đảo của Tổ quốc. Mỗi khi du khách đến với huyện đảo Cô Tô, được chứng kiến lễ thượng cờ sẽ thêm yêu quê hương đất nước, trách nhiệm hơn đối với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam".
Tượng đài Bác Hồ - linh hồn của đảo
Cô Tô là huyện đảo cách xa đất liền trên 100km với hơn 70 hòn đảo lớn, nhỏ; diện tích đất nổi là 4.620ha; có chiều dài biên giới biển khoảng 100km. Ngày 9/5/1961, Bác Hồ đã ra thăm đảo bằng trực thăng và đáp xuống đúng nơi hiện nay là khu tượng đài Bác. Tại đây, Bác đã có buổi nói chuyện, căn dặn, động viên quân dân trên đảo đoàn kết cùng tiến bộ. Bác nói: "Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào các đảo đoàn kết, cố gắng và tiến bộ". Điều này cho thấy, Người đánh giá cao tầm quan trọng, vị trí chiến lược quốc phòng - an ninh của vùng biển, đảo Cô Tô. Đây là trạm tiền tiêu của cả một vùng biển rộng lớn phía Đông Bắc của Tổ quốc. Vùng biển đảo này có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển và dịch vụ du lịch trong tương lai.
Xuất phát từ tầm quan trọng, vị trí chiến lược phát triển kinh tế, đảm bảo chủ quyền quốc gia cùng với tình cảm đặc biệt Bác dành cho nơi đây, theo nguyện vọng của quân dân trên đảo, Bác đã đồng ý cho phép dựng tượng của mình trên đảo khi Người còn sống. Ngày 19/5/1968, quân dân trên đảo Cô Tô vui mừng đón chào ngày khánh thành tượng Bác Hồ (được dựng ngay tại nơi máy bay hạ cánh và là nơi Bác đứng nói chuyện với quân, dân trên đảo năm xưa).
Cho đến thời điểm này, tượng đài Bác Hồ trên đảo Cô Tô vẫn là bức tượng đẹp nhất vùng Đông Bắc. Tượng đài Bác chính là linh hồn của đảo Cô Tô, vừa uy nghiêm, vừa thân thương sừng sững hiên ngang giữa mênh mông biển trời Đông Bắc. Hình ảnh Bác Hồ vẫy tay chào biển cả trở nên vô cùng thân thuộc, khắc sâu vào tâm khảm của quân và dân đảo Cô Tô.
Trải qua 62 năm kể từ ngày Bác ra thăm đảo, Cô Tô ngày nay đã chuyển mình trở thành viên ngọc sáng ở vùng Đông Bắc Tổ quốc. Trên đảo giờ đây đã có điện lưới quốc gia, bến tàu, khu neo đậu tránh trú bão, khu hậu cần chế biến hải sản, cung cấp nước ngọt, đá lạnh... Người dân nơi đây luôn bám biển, bám đất để phát triển kinh tế biển, làm du lịch. Nhờ đó, huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2015; 100% trường học của địa phương đạt chuẩn quốc gia. Tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt từ 15-16%/năm. Năm 2019, huyện không còn hộ nghèo.
Trong những năm trở lại đây, diện mạo và đời sống của người dân huyện đảo Cô Tô không ngừng đổi thay, cơ sở hạ tầng, giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại. Cô Tô trở thành điểm đến hấp dẫn, khác biệt, có tính cạnh tranh cao với những sản phẩm du lịch đẳng cấp quốc tế. Huyện đảo đã nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cộng đồng gắn với văn hóa bản địa; đẩy mạnh kết nối du lịch thông qua đường hàng không, đường biển từ thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ đến Vân Đồn và Cô Tô.
Đối với quân và dân trên đảo tiền tiêu phía Đông Bắc Tổ quốc, tượng đài Bác Hồ mãi là biểu tượng của niềm tin, sức mạnh, cũng là lời khẳng định Cô Tô luôn là một phần máu thịt thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc. Khi ngắm nhìn tượng Bác, đồng bào và chiến sĩ nơi đây như được tiếp thêm sức mạnh, niềm tin, nghị lực, để sống, học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thủy Lê