Loay hoay giá vé máy bay08/04/2023 - 15:23:00 Gần đây, nhiều hãng bay lên tiếng đề nghị nới trần, hoặc bỏ trần giá vé máy bay. Lý do là “càng bay càng lỗ”. Điều này thực hư ra sao và khi các hãng bay lo cho lợi nhuận của mình thì có tính đến quyền lợi của hành khách hay không?
Ngày 6/4, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tham gia góp ý về Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đã đề nghị dự thảo luật bổ sung thêm giá tối thiểu (giá sàn) với vé máy bay nội địa, bên cạnh giá tối đa (giá trần) như hiện nay. Đáng chú ý ông Hòa nhấn mạnh về việc một số hãng hàng không muốn bỏ quy định giá trần vì lỗ, nhưng thực chất thua lỗ thời gian qua là do dịch Covid-19, ít khách bay chứ không phải do giá trần thấp. “Nếu lỗ thì làm gì có chuyện có nhà đầu tư chuẩn bị rót vốn, xin mở mới hãng hàng không mới tại Việt Nam. Tôi cho rằng đây là vấn đề lợi ích của doanh nghiệp, do đó họ không muốn có giá trần” - ông Hòa nói. Giải trình sau đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá kiến nghị về quy định giá sàn của đại biểu Hòa là “rất hay và hợp lý”. Ông Phớc cho rằng cần phải có giá sàn để tránh các hãng hàng không chuyên nghiệp bị đánh bại bởi các hãng hàng không giá rẻ, dẫn đến vấn đề lợi nhuận độc quyền. Riêng với việc giá trần vé máy bay (nâng trần, bỏ trần) hiện còn nhiều ý kiến khác nhau. Một số người cho rằng cần sớm bỏ trần giá vé máy bay để theo kịp biến động của thị trường, không để các hãng bay thiệt thòi và giảm thu ngân sách. “Trường phái” này cũng cho rằng quy định giá trần là không phù hợp thông lệ quốc tế, thiếu công bằng với các loại dịch vụ khác. Hiện tại, các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng tàu hoả, vận tải hành khách tuyến cố định hay dịch vụ taxi đều tự quyết định giá và kê khai giá với cơ quan quản lý. Ở chiều ngược lại, “trường phái” khác lại cho rằng cần giữ trần vé máy bay nội địa bởi nhà nước phải nắm công cụ điều tiết, tránh tình trạng các hãng bay đưa ra giá vé quá cao, đặc biệt là trên một số tuyến bay độc quyền, quyền lợi của người tiêu dùng không được bảo vệ. Điều đáng nói ở đây là dù chưa (hoặc có thể sẽ là không được) nâng trần giá vé máy bay, nhưng các hãng bay vẫn “vượt trần” như thường, nhất là vào những dịp đông khách đi lại bất chấp việc Cục Hàng không Việt Nam nhấn mạnh hành khách có thể phản ánh qua đường dây nóng để Cục xử lý vi phạm. Trong thông báo dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Cục Hàng không nêu: "Hành khách cần cẩn trọng khi mua vé qua các kênh trung gian không có địa chỉ, nguồn gốc rõ ràng. Đặc biệt, hành khách cần lưu ý mức giá vé máy bay không được cao hơn mức giá vé quy định". Theo Thông tư 17/2019 ngày 3/5/2019 của Bộ Giao thông vận tải, trần giá vé máy bay (chưa bao gồm thuế phí), đường bay dài nhất từ 1.280 km trở lên có giá 3,75 triệu đồng/vé. Đối với các chặng bay ngắn hơn như đường bay dưới 500 km có giá trần 1,7 triệu đồng/vé; đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có mức giá 2,2 triệu đồng/vé... Tuy nhiên, dịp Tết vừa qua và cả dịp nghỉ lễ 30/4 sắp tới giá vé máy bay đã vượt trần ở mức cao ngất ngưởng, đặc biệt là ở tuyến Hà Nội - TPHCM, Hà Nội - Cam Ranh. Những người có nhu cầu đi lại những dịp này dù đã lên mạng “săn vé” trước cả tháng trời cũng đều chỉ còn biết than thân trách phận mà thôi. Nhìn chung, Cục Hàng không cũng chẳng cần đợi khách phản ánh, vì điều đó là rất rõ ràng rồi. Vấn đề là có xử lý hay không mà thôi. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|