Lừa đảo nóng theo tiền ảo13/12/2024 - 14:44:00 Thời gian gần đây các hội nhóm “mời” nhau đầu tư tiền ảo mọc lên như nấm. Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân cảnh giác không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số, website, ứng dụng đầu tư tiền ảo.
Lập hội nhóm để “lùa gà” Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã khuyến cáo nhà đầu tư về việc hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định về các dạng tài sản số, tiền mã hóa. Các loại tiền kỹ thuật số như Pi, USDT, BUSD… không phải là chứng khoán và việc mua bán các loại tiền kỹ thuật số nêu trên của nhà đầu tư chưa được pháp luật quy định. Để tham gia giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư cần tuân thủ quy định pháp luật về chứng khoán về việc mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại các công ty chứng khoán do UBCKNN cấp phép thành lập và hoạt động. Ngoài ra, nhà đầu tư cần lưu ý các quy định pháp luật về các loại chứng khoán được phép giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, được quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 ngày 26/11/2019. Dù đã có nhiều khuyến cáo nhưng do tiền ảo trên toàn cầu đang nóng, nên có hiện tượng một số đối tượng thông qua mạng xã hội, kêu gọi nhà đầu tư mở tài khoản, gửi tiền vào các ví điện tử, đầu tư vào các loại tiền mã hóa (Pi, USDT, BUSD…). Anh Hoàng Tuấn Giang (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, hơn 2 tuần này, tài khoản zalo của anh liên tục được đưa vào nhóm đầu tư vàng - tiền ảo. Dù đã chủ động ra khỏi nhóm nhưng hết rời nhóm này lại bị đưa vào nhóm khác. Nhiều nhóm đầu tư sau 1 thời gian vào tìm hiểu lại thì đã đóng, không tồn tại. “Tôi thấy các tài khoản chủ động chát với nhau khoe lãi bao nhiêu, rồi báo điểm mua mã này mã kia rất sôi động. Đến những người không biết đến tiền ảo như tôi còn thấy tò mò” - anh Giang nói. Trong khi đó, chị Thùy Liên - một người chơi Bitcoin (tiền ảo) đã hơn 5 năm nay cho biết, khi Bitcoin vượt mốc 100.000 USD, các hội nhóm chơi tiền ảo hoạt động tưng bừng. “Ngày nào tôi cũng nhận được các lời mời chào, chia sẻ kinh nghiệm mua bán tiền ảo từ Cộng đồng Bitcoin & Crypto, Cộng đồng Trader coin Việt Nam... Với quan niệm có sóng là sẽ có lời, nhiều người lao đầu vào tiền ảo, chấp nhận 5 ăn 5 thua” - chị Liên nói, và cho biết, người chơi cần hết sức cảnh giác, muốn mua bán tiền ảo cũng cần phải có kinh nghiệm, nếu không sẽ bị “lùa gà” theo phong trào. Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cho biết, đa phần các đồng tiền ảo đang được giao dịch tại các sàn ngoại hối có trụ sở ở nước ngoài và không có đại diện tại Việt Nam, trong khi pháp luật Việt Nam chưa công nhận tiền số. Do đó, nếu xảy ra rủi ro, thì nhà đầu tư hoàn toàn phải chịu trách nhiệm. “Thời gian qua, rất nhiều người Việt đã bị lừa đảo qua các sàn forex, sàn tiền ảo, đây là bài học mà nhà đầu tư cần cảnh giác” - ông Khánh cảnh báo. Theo các chuyên gia, việc đưa tiền ảo ra ngoài hành lang pháp lý khiến Nhà nước thất thu thuế, dòng tiền chảy vào nền kinh tế ngầm sinh ra nhiều hệ lụy. Khoảng trống pháp lý về tiền mã hóa khiến các nhà đầu tư gặp rủi ro đáng kể, bao gồm gian lận, thao túng thị trường và vi phạm an ninh. Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, việc để trống hành lang pháp lý cho tiền số khiến Việt Nam đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho những người kinh doanh tiền ảo. “Với tiền số, chúng ta cần phải có thái độ rõ ràng, cần nghiên cứu, tính toán để có định hướng thu thuế. Nhiều nước trong khu vực đã có quy định về vấn đề này, không nên để Việt Nam trở thành nơi trốn thuế của các nhà kinh doanh tiền số. Tất nhiên, đây là vấn đề khó nhưng cần phải tập trung giải quyết” - ông Thân đề nghị. Đại diện Hiệp hội Blockchain cũng chia sẻ, hiện nay, tại Việt Nam đã có 18 văn bản liên quan đến vấn đề tài sản ảo nhưng chưa có khung pháp lý cụ thể về lĩnh vực này. Trong khi đó, theo thống kê đến cuối tháng 7/2023, dòng tiền đổ vào tài sản ảo tại Việt Nam khoảng 120 tỷ USD; Tuy nhiên, việc chưa có khung pháp lý và quy định cụ thể về các loại tài sản ảo, mã hóa khiến hoạt động này vẫn đang nằm trong khu vực kinh tế ngầm. Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, năm 2022 tổng dòng tiền đổ vào tài sản ảo tại Việt Nam là 100 tỷ USD và đến năm 2023 là 120 tỷ USD. Điều này cho thấy tài sản ảo đã và đang tồn tại trong nền kinh tế. Chính vì thế, việc ban hành khung pháp lý cho tài sản ảo là vô cùng cần thiết, đem lại lợi ích cho Nhà nước. Nếu vẫn để như hiện nay sẽ tạo ra nhiều bất cập và bị động trong công tác quản lý. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|