Mới đây, lực lượng vũ trang Saraya Al-Khorasani ở Đông Bắc Syria mà Washington đã liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố nguy hiểm đã tuyên bố sẵn sàng đối đầu với quân đội Mỹ và sẽ mở chiến dịch chống Mỹ.
Theo đánh giá của Ghassan Ibrahim, nhà báo và chuyên gia nghiên cứu người Anh gốc Syria về các vấn đề Trung Đông với tờ Tin tức Arab (Arabnews.com), Saraya Al-Khorasani đã tăng cường tuyển dụng lực lượng và thu hút hàng trăm thanh niên trong khu vực gia nhập hàng ngũ bằng cách cung cấp tiền và lợi dụng sự nghèo khó và thiếu thốn của hầu hết người dân Syria.
Nhóm vũ trang này chuyên về máy bay không người lái (UAV) và đã sử dụng UAV ở Iraq để tấn công các căn cứ của Mỹ cũng như một số khu vực ở trung tâm Baghdad, thể hiện kinh nghiệm chiến đấu và nguy cơ đe dọa lực lượng Mỹ ở Syria.
Số lượng tay súng Saraya Al-Khorasani ở Syria ước tính là khoảng 3.500 người. Nhóm này hoạt động rộng rãi và có liên kết với các nhóm khác, trong đó có cả Hezbollah của Liban, khiến việc tiến hành tấn công các lực lượng Mỹ trở nên nguy hiểm hơn.
Các nhà hoạt động Syria địa phương xác nhận rằng lực lượng Saraya Al-Khorasani đã thành lập một số sở chỉ huy mới ở Đông Bắc nước này.
Trước khi lực lượng vũ trang trên kêu gọi chống sự hiện diện của Mỹ, đã có một số cuộc đối đầu quân sự giữa các tay súng thân Iran và lực lượng Mỹ. Các tay súng này gần đây đã tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria bằng máy bay không người lái. Lầu Năm Góc đã xác nhận rằng tình báo Mỹ phát hiện những UAV này có nguồn gốc từ Iran.
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức vào năm 2021, các nhóm vũ trang trong khu vực đã thực hiện hơn 80 cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào lực lượng Mỹ tại đây. Quân đội Mỹ đã nhiều lần phản ứng, tiến hành một số cuộc không kích ở Syria.
Sau một trong những cuộc phản công của Washington, Saraya Al-Khorasani tuyên bố sẽ "đáp trả tương xứng các cuộc tấn công của Mỹ". Rõ ràng là các cuộc tấn công của lực lượng cực đoan vào các căn cứ của Mỹ sẽ không dừng lại và có lẽ phản ứng của Mỹ sẽ chỉ giới hạn ở mức tự vệ.
Tuy nhiên, những thách thức mà lực lượng Mỹ phải đối mặt không chỉ liên quan đến các nhóm vũ trang thân Iran. Thổ Nhĩ Kỳ và các đơn vị dân quân cũng bày tỏ sự không hài lòng với các lực lượng Mỹ vì những lý do khác, chẳng hạn như hỗ trợ quân sự cho Lực lượng Dân chủ Syria của người Kurd.
Ngoài ra, những người Syria có liên hệ với phe đối lập không hài lòng trước sự thất bại của các lực lượng Mỹ và chính quyền Mỹ trong việc đóng vai trò trung gian có thể dẫn đến một giải pháp chính trị ở Syria.
Hiện tại, quân đội Mỹ chỉ có khoảng 900 binh sĩ ở Syria, chủ yếu ở phía Đông của nước này, bên cạnh các nhà thầu Mỹ với số lượng không quá 1.000 người. Sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Syria là nhằm ngăn chặn sự xuất hiện của các phe phái cực đoan, dù là từ tổ chức khủng bố Hồi giáo IS hay các nhóm phiến quân khác, nhưng điều đang xảy ra là những nhóm vũ trang này đã bắt đầu mở rộng và thậm chí đe dọa quân đội Mỹ.