Lượng tiền ngân hàng cho vay đã vượt huy động18/10/2024 - 08:40:00 Nhiều nội dung quan trọng đã được đưa ra trong cuộc họp báo thông tin về kết quả hoạt động của ngân hàng quý III/2024, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức ngày 17/10.
Tại cuộc họp báo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhận định, nền kinh tế trong quý III có nhiều thuận lợi hơn so với các năm trước đó, các mục tiêu kiểm soát lạm phát và tăng trưởng GDP đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, cơn bão số 3 đã gây ra thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế khi thiệt hại lên tới 81.000 tỷ đồng. Dư nợ ngành ngân hàng lên đến 162.000 tỷ đồng. Trong quá trình điều hành quý III, ngành ngân hàng đã tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ hướng tới linh hoạt đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, nguồn vốn luôn dồi dào, các ngân hàng đảm bảo thanh khoản. Theo đó, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp góp phần hỗ trợ nền kinh tế; chỉ đạo TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm trên website của ngân hàng. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế còn thấp; mức tăng trưởng tín dụng của các TCTD không đồng đều, có TCTD tăng thấp, thậm chí tăng trưởng âm trong khi một số TCTD tăng sát chỉ tiêu NHNN đã thông báo, ngày 28/8/2024, NHNN đã thông báo mức tăng trưởng tín dụng tăng thêm cho các TCTD đảm bảo công khai, minh bạch. Theo đó, kể từ ngày 28/8/2024, TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN thông báo đầu năm 2024 sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên điểm xếp hạng của TCTD. Đến nay, tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 9% so với cuối năm 2023. Đáng chú ý, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú: “Tính đến hết quý III, tổng số vốn huy động được 14,5 triệu ngàn tỷ và tổng số vốn cho vay là 14,7 triệu ngàn tỷ. Như vậy, cho vay đã vượt quá số huy động”. Tín dụng ngành kinh tế tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm như nông nghiệp nông thôn, công nghệ cao, trong đó tín dụng cho công nghệ cao có mức độ tăng trưởng trên 20%; Gói tín dụng cho lâm nghiệp, xuất khẩu thủy hải sản đã giải ngân hết 15.000 tỷ. Ngành ngân hàng đã tăng thêm gói 30.000 tỷ đồng và đang chuẩn bị cho gói vay 60.000 tỷ. “Nếu giải ngân hết, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các gói lớn hơn cho lĩnh vực này vì hiệu quả của gói vay đang khá tích cực” - ông Tú nhấn mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh những gói tín dụng giải ngân tốt thì cũng có một số lĩnh vực khác gặp nhiều khó khăn. Như gói vay ưu đãi cho nhà ở xã hội 120.000 tỷ hiện đã tăng lên 140.000 tỷ. Và NHNN đang trình Chính phủ về việc tiếp tục giảm lãi suất thêm 1% cho người mua nhà. “Đây là nguồn lực của các ngân hàng thương mại chung tay và đã sẵn sàng giải ngân nhưng việc giải ngân còn phụ thuộc vào tính pháp lý của các dự án cũng như việc triển khai của nhà đầu tư” - ông Tú nói. Một vấn đề lớn khác trong quý III/2024 là thực hiện cơ cấu tín dụng sau cơn bão số 3 cho khách hàng, thực hiện giãn hoãn các phần đến hạn và tiếp tục cho vay mới để các khách hàng tiếp tục sản xuất với lãi suất hỗ trợ. Theo Phó Thống đốc Tú, nợ xấu cũng được quan tâm tích cực nhưng có xu hướng tăng lên, nhất là sau cơn bão số 3, dự kiến nợ xấu sẽ tăng mạnh hơn, Do đó, cần hỗ trợ sớm cho bà con, các chính sách cần phải xử lý sớm, tiếp tục cơ cấu đẩy mạnh xử lý nợ xấu để cố gắng không để nợ xấu phát sinh cao. Theo Báo Pháp Luật Việt Nam
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|