Lãi suất đang ở mức thấp
Theo thống kê, lãi suất tiết kiệm VND đối với kỳ hạn dưới 6 tháng được áp dụng 3-4%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng 3,5-5,5%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng 4,6-6%/năm. Mặc dù mới đây, một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động 0,1-0,4%/năm, song so với cùng kỳ năm 2020, mặt bằng lãi suất huy động bình quân của hệ thống ngân hàng quý I-2021 thấp hơn khoảng 2%/năm.
Đối với giao dịch liên ngân hàng, nếu không tính đợt biến động ngắn mang tính chất mùa vụ trước và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, mặt bằng lãi suất kỳ hạn qua đêm đã duy trì ở mức 0,2-0,3%/năm suốt 9 tháng qua.
Đáng chú ý, theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), dù lãi suất huy động thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây nhưng nguồn tiền gửi tiết kiệm vẫn “chảy” vào ngân hàng.
Lý giải nguyên nhân mặt bằng lãi suất huy động thấp kỷ lục, các chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, là do lạm phát được kiểm soát và chính sách tiền tệ được nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Thực tế, trong tháng 3-2021, lạm phát nằm trong vùng kiểm soát, chỉ số lạm phát cơ bản giảm 0,12% so với tháng 2, tăng 0,37% so với cùng kỳ năm 2020. Bình quân quý I-2021, lạm phát cơ bản tăng 0,67% so với cùng kỳ năm 2020. So với mục tiêu là 4%, lạm phát còn ở mức xa, là cơ sở để ngân hàng không điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi.
Nhờ lãi suất huy động thấp, nguồn vốn dồi dào, nên lãi suất cho vay cũng duy trì ổn định so với thời điểm cuối năm 2020. Hiện, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của các ngân hàng thương mại Nhà nước phổ biến ở mức 5-6%/năm; cho vay trung, dài hạn khoảng 7-8%/năm (trong 6 tháng hoặc một năm đầu). Đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ quanh mức 4,5%/năm...
Sẽ điều hành linh hoạt
Dự báo về mặt bằng lãi suất thời gian tới, theo chuyên gia tài chính - ngân hàng, Tiến sĩ Cấn Văn Lực (Viện Đào tạo và Nghiên cứu, thuộc Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV), hoạt động kinh tế sôi động hơn khi dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát sẽ giúp cầu tín dụng tăng mạnh hơn. Từ đó, lạm phát được dự báo tăng trong nửa cuối năm 2021. Vì vậy, mặt bằng lãi suất tiền gửi có thể ổn định trong nửa đầu năm 2021 và sau đó nhích tăng 0,3-0,5% trong nửa cuối năm.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, áp lực lạm phát trong nước và quốc tế tăng dần sau khi nhiều quốc gia tung ra các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì thế, nếu không có bất ngờ, mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng nhẹ kể từ giữa năm nay.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV Phan Đức Tú nêu quan điểm: “Năm 2021, mục tiêu đặt ra là tổng sản phẩm trong nước tăng 6,5%, lạm phát giữ tăng dưới 4% nên các chính sách tài khóa, tiền tệ sẽ được điều hành rất thận trọng. Tôi cho rằng việc tăng lãi suất là khó diễn ra trong thời gian tới”.
Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) Nguyễn Đình Tùng cũng cho rằng, lãi suất huy động duy trì thấp bởi thanh khoản của hệ thống tín dụng đang rất dồi dào. Chỉ một vài ngân hàng có nhu cầu thanh khoản nhất thời mới có thể tăng lãi suất huy động. Ông Nguyễn Đình Tùng kỳ vọng, lãi suất huy động và cho vay sẽ giảm hơn nữa, tương đương mặt bằng lãi suất thấp nhất trong khu vực, góp phần giảm chi phí tài chính của doanh nghiệp và nâng lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Về điều hành lãi suất trong thời gian tới, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là duy trì sự ổn định đối với cả lãi suất huy động và cho vay; tuy nhiên, cũng phải cảnh giác với những dấu hiệu tác động của kinh tế thế giới, như giá nguyên liệu được dự đoán tăng 30% trong năm 2021, việc dịch chuyển dòng vốn từ thị trường tiền tệ sang trái phiếu, chứng khoán, bất động sản… Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách lãi suất một cách linh hoạt, hợp lý. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung tiết giảm chi phí, tạo điều kiện giảm tiếp lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong cả năm 2021.