Mặt trái của ‘làng phây’16/04/2021 - 10:37:00 Phải trang bị cho trẻ em những kỹ năng cần thiết khi tham gia mạng xã hội để phòng tránh tình huống xấu.
Công an huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang) hiện đang giữ hai nghi can bị cáo buộc hiếp dâm trẻ em. Tại CQĐT, chính các nghi can này cũng đã khai nhận hành vi giao cấu ngoài ý muốn với hai thiếu nữ 14 và 15 tuổi. Tất nhiên, tới đây các đối tượng sẽ chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật, nhưng vết thương của nạn nhân rất khó lành. Vết thương của hai thiếu nữ mới lớn không chỉ là ở câu chuyện xác thịt bị các yêu râu xanh làm ô uế. Vết thương sâu hơn, khó lành hơn chính là việc tâm hồn các cháu bị tổn thương nghiêm trọng, một cú sốc tinh thần khủng khiếp mà không thể trong một sớm một chiều có thể hàn gắn được, rất có thể nó còn theo những đứa trẻ suốt cả cuộc đời. Thời gian qua, trên cả nước cũng không hề hiếm những vụ việc tương tự, có không ít trẻ em đã bị những kẻ khốn nạn, đốn mạt xâm hại. Nhiều gia đình đã rất lo lắng, thường xuyên “để mắt” tới con cái, nhưng rồi cuối cùng cũng không tránh khỏi những hậu quả xấu bởi vô số cạm bẫy đang từng ngày, từng giờ rình rập xung quanh những đứa trẻ. Thường thì các bậc phụ huynh chỉ giám sát con cái ở cuộc sống thực hàng ngày, từ nết ăn, nết ở, giao tiếp..., nhưng lại quên bẵng đi cuộc sống ảo trên internet nên đôi khi tạo thành “lỗ hổng” cho kẻ xấu lợi dụng. Thậm chí nhiều gia đình trang bị cho con cái điện thoại thông minh, máy tính bảng... mà thiếu kiểm soát, dẫn đến hệ lụy xấu. Trong khi các bậc cha mẹ mải lo làm ăn kiếm tiền thì những đứa trẻ đang “lang thang” trên mạng để làm quen, kết thân với người lạ mà họ không hề hay biết. Vì thế, việc con cái quen ai, giao du với hạng người nào hoàn toàn là ẩn số với không ít bậc phụ huynh. Đó là lý do những đứa trẻ học theo thói hư tật xấu, bé gái bị xâm hại thời gian qua. Chuyện hai cô bé 14, 15 tuổi vừa bị xâm hại tình dục ở Bắc Giang là một ví dụ điển hình cho việc những đứa trẻ dễ dàng bị các đối tượng xấu lợi dụng trên không gian mạng. Chỉ mới quen qua facebook một tuần, hai thiếu nữ mới lớn đã sẵn sàng đi ăn uống, chơi bời với hai nam thanh niên lạ, sẵn sàng tin tưởng ra ngoài cùng chúng lúc đêm khuya. Vừa chia tay các nghi phạm sau khi đi ăn uống với chúng, chỉ vì cãi nhau với bạn cùng phòng trọ, bất chấp đêm hôm, hai thiếu nữ gọi điện cho các đối tượng đến đón ra ngoài. Đó chính là cơ hội ngàn vàng để hai tên yêu râu xanh thực hiện hành vi thú tính, cưỡng bức cả hai đứa trẻ trong một nhà nghỉ trên địa bàn huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang). Nói gì thì nói, tội của hai kẻ mặt người dạ thú kia thì không có gì phải bàn nữa, nhưng trong câu chuyện đau lòng này cũng có sự nhẹ dạ cả tin của hai thiếu nữ. Nếu các bé gái được trang bị kỹ năng phòng tránh trong những tình huống tương tự từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hay ở gia đình, có lẽ sự việc đã không tồi tệ đến thế. Nhân đây cũng hơi sa đà một chút về việc hầu hết các trường phổ thông hầu như không đào tạo cho học sinh những kỹ năng phòng tránh tình huống xấu, kỹ năng sinh tồn, chủ yếu nhồi nhét kiến thức, bất biết các em tiếp thu được đến đâu. Đó là nguyên nhân những đứa trẻ không biết ứng xử, xoay xỏa thế nào khi gặp việc xấu, đối tượng xấu. Trong câu chuyện đau lòng của hai thiếu nữ mới lớn trên, nếu các cháu không gọi điện cho các yêu râu xanh đến đón trong đêm, chắc chắn sẽ không bao giờ bị xâm hại. Bởi, nếu không phải là đưa các thiếu nữ vào nhà nghỉ, không phải là đêm khuya thanh vắng, chưa chắc các đối tượng đã dám dở trò lưu manh, cưỡng bức những đứa trẻ. Song, nguyên nhân sâu xa dẫn đến câu chuyện tồi tệ với những đứa trẻ lại không phải là việc chúng dại khờ, cả tin, mà là việc chúng được tự do “lang thang” trên mạng xã hội facebook, lại không được trang bị kỹ năng sống cần thiết nên mới xảy chuyện. Nếu chúng không quen hai tên lưu manh trên facebook, lẽ nào lại gặp nạn? Nói như vậy không có nghĩa phản bác, phủ nhận những mặt tích cực của internet, của mạng xã hội facebook. Nhờ có công nghệ, cuộc sống xã hội ngày càng nhẹ nhàng hơn, tiện lợi hơn, kinh tế phát triển mạnh hơn... Nhờ có mạng xã hội Facebook, nhiều trường hợp thất lạc nhau, mất liên lạc đã có thể tìm được, kết nối trở lại sau nhiều năm bặt vô âm tín. Song, cái gì cũng luôn có mặt tích cực và mặt trái của nó, internet và mạng xã hội Facebook cũng không ngoại lệ. Thời gian qua đã có khá nhiều đứa trẻ nam học theo những thói hư hỏng, vi phạm pháp luật, trở nên bướng bình khó bảo... vì học đòi theo trên mạng Facebook, YouTube. Những đứa trẻ gái thì bị bọn lưu manh xâm hại tình dục. Vấn đề đặt ra ở đây là thày cô giáo, nhà trường, các bậc phụ huynh và toàn xã hội phải có trách nhiệm giáo dục, định hướng để những đứa trẻ biết tận dụng lợi thế internet trong học tập, tránh xa những mặt trái của mạng xã hội Facebook, YouTube. Đồng thời trang bị cho trẻ em những kỹ năng cần thiết để phòng tránh tình huống xấu. Bởi, khi xảy ra những chuyện tệ hại không chỉ do sự nguy hiểm trong mặt trái của “làng phây”. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|