Quyết định này được đưa ra sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine RNA của Moderna. Theo thỏa thuận với COVAX, Moderna sẽ phân phối 34 triệu liều vaccine vào cuối năm 2021 và số còn lại vào năm 2022.
Vaccine hai liều của Moderna có mức hiệu quả đạt 94,1% trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng, một trong những loại vaccine hiệu quả nhất đang được sử dụng hiện nay. Vaccine của Moderna cũng có tính hiệu quả cao trước các biến thể mới, đặc biệt là biến thể từng được phát hiện đầu tiên ở Anh.
Thông báo của Moderna được đưa ra trong bối cảnh các nước giàu và các hãng sản xuất vaccine đang được kêu gọi hỗ trợ nhằm giảm khoảng cách vaccine giữa các nước giàu và phần còn lại của thế giới.
Sau New Zealand và Pháp, Mỹ tuần trước đã thông báo sẽ chia sẻ 60 triệu liều vaccine với các nước khác với các điều khoản chưa được công bố. Thụy Điển ngày 3/5 cũng thông báo sẽ hỗ trợ 1 triệu liều vaccine AstraZeneca cho COVAX nhằm giúp giải quyết ngay vấn đề nguồn cung đang bị trì hoãn cho sáng kiến này.
Mặc dù một số nước như Israel, Mỹ và Anh đang bắt đầu ghi nhận những lợi ích của chiến dịch tiêm phòng quy mô lớn, hầu hết các nước khác vẫn đang phải tìm cách thu mua vaccine. Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Duke của Mỹ dự báo một số nước có thể phải đợi tới năm 2023 để có thể nhận được vaccine.
Sáng kiến vaccine toàn cầu COVAX đã đặt mục tiêu phân phối 2 tỷ liều vaccine trong năm 2021 nhằm tiêm phòng cho 20% dân số tại các nước có thu nhập thấp và trung bình. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, sáng kiến này mới chỉ phân phối được 49 triệu liều vaccine.
Nỗ lực của COVAX đã bị ảnh hưởng do diễn biến phức tạp của dịch bệnh ở Ấn Độ trong khi COVAX phụ thuộc phần lớn vào vaccine AstraZeneca chủ yếu được sản xuất ở Ấn Độ./.