Trong động thái được ví như bước ngoặt đối với cộng đồng có giới tính đặc biệt, hay còn gọi là LGBTQ, bộ trên cho biết sẽ cung cấp tùy chọn này thường xuyên hơn từ đầu năm 2022 đối với hộ chiếu và giấy khai sinh của người Mỹ ở nước ngoài.
Đặc phái viên ngoại giao Mỹ về quyền của người LGBTQ, bà Jessica Stern đã miêu tả sự thay đổi mang tính lịch sử này đã giúp các văn bản của chính phủ phù hợp với "thực tế sống" rằng con người có nhiều đặc điểm giới tính hơn so với chỉ hai phân loại là nam và nữ.
“Khi một người sở hữu giấy tờ định danh phản ánh danh tính thực của họ, họ sẽ sống với phẩm giá và sự tôn trọng cao hơn”, bà Stern phát biểu.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối tiết lộ đã cấp quyển hộ chiếu giới tính “X” đầu tiên cho người nào để đảm bảo quyền riêng tư. Nhiều nguồn tin dự đoán nhân vật này có thể là Dana Zzyym, một cư dân liên giới tính (intersex) sống tại bang Colorado.
Zzyym đã tham gia cuộc chiến pháp lý đòi công nhận giới tính riêng với Bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 2015. Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), liên giới tính là một dạng dị tật bẩm sinh của hệ thống cơ quan sinh dục và giới tính.
Dana Zzyym từng bị từ chối cấp hộ chiếu vì không thể chọn giới tính nam hay nữ vào đơn đăng ký. Theo cáo trạng tòa án, Zzyym đã tự viết giới tính “intersex” ở phía trên các ô đánh dấu M (nam) và F (nữ). Công dân này yêu cầu trong hộ chiếu của mình có thêm ô X để biểu thị giới tính riêng.
Zzyym được sinh ra với các đặc điểm giới tính không rõ ràng song được nuôi dạy lớn lên như một cậu bé. Thanh niên này đã trải qua một số cuộc phẫu thuật để khiến vẻ ngoài giống nam giới hoàn toàn, song không thành công.
Zzyym từng phục vụ trong hải quân với tư cách nam nhưng sau lại được xác định là một người liên giới tính khi đang làm việc và học tập tại Đại học Bang Colorado. Việc bị từ chối cấp hộ chiếu khiến Zzyym không thể tham dự cuộc họp của Tổ chức Intersex International ở Mexico.
Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken hồi tháng 6 thông báo đang tiến tới việc bổ sung phần chọn lựa giới tính thứ ba giành cho những người phi nhị giới (non-binary), liên giới tính (intersex), người không theo tiêu chuẩn về giới (non-conforming) song vẫn cần thêm thời gian để triển khai.
Dưới thời ông Blinken, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho phép người xin cấp hộ chiếu có thể tự chọn lựa giới tính, đồng thời không cần cung cấp giấy chứng nhận y tế nếu như giới tính của họ không tương tích với thông tin liệt kê trong giấy tờ định danh.
Với quyết định trên, Mỹ đã gia nhập nhóm ít ỏi các quốc gia, trong đó có Australia, New Zealand, Nepal và Canada, cho phép công dân được chỉ định giới tính ngoài nam hoặc nữ trên hộ chiếu của họ.
Chiến dịch Nhân quyền, một nhóm vận động hàng đầu cho quyền lợi của cộng đồng LGBTQ, đã gọi chính sách hộ chiếu mới của Mỹ là một quyết định lịch sử.
Bà JoDee Winterhof, Phó Chủ tịch về chính sách và các vấn đề chính trị tại tổ chức này khẳng định động thái này sẽ giảm thiểu nguy cơ phân biệt đối xử, quấy rối và bạo lực mà hàng triệu người Mỹ phải đối mặt khi đi nước ngoài. Bà nói: “Mỹ cần khuyến khích các chính phủ khác trên thế giới làm theo trong việc áp dụng các chính sách bao trùm như vậy”.