Sáng 9-8, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Hội đồng Tiền lương quốc gia họp phiên thứ nhất năm 2023 để thảo luận, thương lượng về phương án điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2024. Cuộc họp được chủ trì bởi ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia và sự tham gia của đại diện các bên như Tổng LĐLĐ Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh HTX Việt Nam và một số thành viên độc lập…

Mong muốn tăng lương là hoàn toàn chính đáng

Tại phiên họp, đại diện người lao động (NLĐ), chủ sử dụng lao động... trình bày các căn cứ, mức đề xuất tăng LTT vùng năm 2024. Về cơ bản, tất cả thành viên đều chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp (DN), đời sống khó khăn của NLĐ, thu nhập chưa bảo đảm mức sống tối thiểu.

Năm 2024 vẫn sẽ tăng lương tối thiểu - Ảnh 1.

Số đông công nhân đều mong muốn nâng lương tối thiểu để giảm bớt khó khăn .Ảnh: HUỲNH NHƯ

Trình bày quan điểm tại phiên họp, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam, đã dẫn số liệu kết quả khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của NLĐ năm 2023 do Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện để cho thấy bức tranh đời sống của công nhân - lao động (CN-LĐ). 

Kết quả khảo sát với gần 3.000 lao động ở 4 vùng với các loại hình DN, cho thấy 17,3% CN-LĐ phải thường xuyên vay nợ dẫn đến 3,1% trong số đó thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng bất an; 24,5% CN-LĐ cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống; còn lại 75,5% cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu của họ. 

Ông Quảng nhấn mạnh thời gian qua, tổ chức Công đoàn luôn đồng hành với người sử dụng lao động để vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, giữ vững quan hệ lao động. "Chúng tôi chia sẻ những khó khăn mà DN đang phải đối mặt, vì vậy mong muốn điều chỉnh LTT năm 2024 để bù đắp chỉ số trượt giá nhằm duy trì tiền lương thực tế cho NLĐ, với mức đề xuất tăng 5%-6%" - ông Lê Đình Quảng cho hay.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, trong bối cảnh cả DN và NLĐ đều rất khó khăn và cũng chưa có được những đánh giá toàn diện về tình hình tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm, đặc biệt là triển vọng năm 2024, trên cơ sở phân tích toàn diện và chia sẻ cùng nhau, Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất sẽ họp lần 2 vào khoảng tháng 11-2023 để bàn, đánh giá tình hình thực tế, từ đó đề xuất mức tăng LTT vùng cho năm sau. 

Quan điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam là rất chia sẻ với những khó khăn của DN, tuy nhiên NLĐ là đối tượng dễ bị tổn thương và hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn. Việc tăng lương vừa là động lực để thúc đẩy NLĐ làm việc với năng suất cao, chất lượng tốt nhưng trước hết là bảo đảm NLĐ duy trì mức sống tối thiểu. 

Thời gian tới, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lấy ý kiến của đông đảo đoàn viên, NLĐ, từ đó đưa ra phương án lương phù hợp để kiến nghị với Hội đồng Tiền lương quốc gia trong kỳ họp tới. "Mục tiêu trong lần tăng vào năm 2024 là phải bảo đảm cao hơn mức sống tối thiểu của NLĐ, giúp NLĐ giảm bớt khó khăn" - ông Hiểu nói.