Nam Á thành điểm nóng ô nhiễm không khí20/11/2023 - 16:32:00 Khu vực Nam Á bao gồm 8 quốc gia: Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Nepal, Maldives, Pakistan và Sri Lanka, là nơi sinh sống của khoảng 25% số trẻ em toàn cầu. Tuy nhiên, khu vực này đang bị coi là điểm nóng ô nhiễm không khí cũng như thiếu hụt nguồn nước.
Ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng Đây là vấn đề “lặp đi lặp lại” với các quốc gia Nam Á khi mùa đông đến gần và không khí lạnh, nặng khiến ô nhiễm bị giữ lại trong một lớp sương mù dày đặc. Nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây cho thấy Nam Á có 4 trong số các quốc gia ô nhiễm nhất thế giới và 9 trong số 10 thành phố ô nhiễm nhất trong khu vực. Nguyên nhân chính được chỉ ra là các quốc gia ở Nam Á đã và đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, phát triển kinh tế và tăng trưởng dân số trong hai thập kỷ qua, dẫn đến nhu cầu về năng lượng và nhiên liệu hóa thạch tăng lên. Nhiều cộng đồng dân cư Nam Á vẫn đốt nhiên liệu rắn để nấu ăn và sưởi ấm, cũng như đốt chất thải nông nghiệp. Ví dụ, khoảng 38% ô nhiễm ở New Delhi (Ấn Độ) trong 10 tháng của năm 2023 được cho là do đốt gốc rạ sau khi thu hoạch lúa để dọn sạch các cánh đồng. Nhiều nhất là các bang Punjab và Haryana. Sự gia tăng số lượng phương tiện trên đường khi khu vực này phát triển cũng làm trầm trọng thêm vấn đề ô nhiễm. Ví dụ, ở Ấn Độ và Pakistan, số lượng phương tiện đã tăng gấp 4 lần kể từ đầu những năm 2000. Tập đoàn IQAir của Thụy Sĩ đã xếp New Delhi là thủ đô ô nhiễm nhất thế giới trong 4 năm liên tiếp, có 472 phương tiện trên một nghìn dân số, với gần 8 triệu phương tiện chạy trên đường tính. Tờ The Times of India đã nêu danh sách 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, trong số này có tới 3 thành phố của Ấn Độ là New Delhi, Kolkata, Mumbai. Mô tả của tờ báo này cho thấy trong nhiều ngày liên tiếp New Delhi chìm trong một làn khói mù, khiến người đi đường gặp nguy hiểm. Nói với The Times of India, ông Prachi Bhuchar cho biết hầu hết các gia đình đều cho trẻ em ở trong nhà để tránh “hít đầy phổi thứ không khí như quỷ dữ”. Theo một nghiên cứu của Viện Chính sách năng lượng tại Đại học Chicago (EPIC, Mỹ), không khí xấu có thể làm giảm tuổi thọ của người dân New Delhi tới 9 năm. Một phân tích từ 25 nghiên cứu trên tạp chí Down To Earth cũng cho thấy, chất lượng không khí kém có thể dẫn đến sinh non, thai chết lưu, chậm phát triển, chậm tăng trưởng ở trẻ em và thậm chí tử vong. Nguồn nước khan hiếm Chưa hết, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) còn lên tiếng cảnh báo tình trạng khan hiếm nước ở Nam Á, do tác động của biến đổi khí hậu. "Con số đáng kinh ngạc là 347 triệu trẻ em dưới 18 tuổi phải đối diện tình trạng khan hiếm nước ở mức độ cao hoặc cực kỳ cao tại Nam Á, cao nhất trong số mọi khu vực trên thế giới" - theo báo cáo của UNICEF, trong khi Nam Á là nơi sinh sống của hơn 1/4 trẻ em toàn cầu. Biến đổi khí hậu đang làm gián đoạn các mô hình thời tiết và lượng mưa, dẫn đến nguồn nước không thể dự đoán được. Báo cáo của UNICEF cũng cho rằng việc quản lý yếu kém như khai thác quá mức các tầng nước ngầm cũng làm giảm lượng nước bổ sung. "Khi các giếng trong làng cạn kiệt, nhà cửa, trung tâm y tế và trường học đều bị ảnh hưởng. Với khí hậu ngày càng khó lường, tình trạng khan hiếm nước dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn đối với trẻ em ở Nam Á" - UNICEF dự báo. AFP dẫn lời giám đốc phụ trách khu vực Nam Á của UNICEF, tiến sĩ Sanjay Wijesekera, rằng hàng triệu trẻ em ở Nam Á không có đủ nước uống trong khu vực phải chịu đựng hiện tượng thời tiết cực đoan. Khô hạn, nguồn nước ngầm cạn kiệt nhanh chóng khiến nhiều khu vực ở Nam Á trở thành hoang mạc. “Người ta thấy ngày càng nhiều những đám xương rồng nở hoa. Nhưng tiếc thay đó là loài cây chỉ phổ biến ở hoang mạc, hoặc những vùng cát trắng cằn cỗi ven biển. Hoa của chúng không mang tới niềm vui, trái lại chỉ khiến người ta lo lắng khi nguồn nước ngầm trong đất ngày một ít đi còn những cơn mưa vàng giải hạn cũng ít khi ghé lại” - Indrajit, nhà báo chuyên viết về môi trường ở Ấn Độ nói. “Trong nhiều ngôi làng khuất nẻo ở Bangladesh, để lấy nước, những người phụ nữ phải đu mình xuống giếng bất chấp hiểm nguy. Nước đã trở thành tài sản của những gia đình nông dân nghèo. Gia súc cũng phải chịu khát. Cây trồng khô héo. Còn những đứa trẻ đến trường phải mang sẵn những chai nước mà cha mẹ chúng khó khăn lắm mới lấy được” - ông Pedro Conceicao, từng phục vụ tại Văn phòng Phát triển con người UNDP cho biết. Trên phạm vi toàn cầu, có 739 triệu trẻ em hiện đang sống trong các khu vực khan hiếm nước mức độ cao hoặc rất cao.
Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|