Nạn bạo hành trẻ em: Bao giờ chấm dứt?22/01/2022 - 16:02:00 Luật Trẻ em quy định 3 cấp độ bảo vệ trẻ là phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp. Thực tế cho thấy công tác phòng ngừa chưa được chú trọng đúng mức hoặc cơ chế phòng ngừa chưa thực sự hiệu quả.
Dư luận chưa hết phẫn nộ vụ bé gái 8 tuổi ở TP HCM bị "mẹ ghẻ" và người thân bạo hành dẫn đến tử vong, thì lại bàng hoàng việc bé gái 3 tuổi ở Hà Nội bị "cha dượng" hành hạ đến 4 lần nhập viện do ngộ độc thuốc diệt cỏ, gãy tay, nuốt dị vật và nhiều cây đinh găm vào đầu. Trẻ bị xâm hại năm sau cao hơn năm trước Thế nhưng, đâu phải chỉ có 2 vụ trên, nạn bạo hành trẻ em đã và vẫn đang xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Phía sau nhiều cánh cổng và bức tường có thể là những tiếng khóc, cả tiếng thét thất thanh và những đau đớn tột cùng về thể xác và tinh thần mà trẻ phải chịu đựng. Theo số liệu của Bộ Công an, chỉ tính riêng trong năm 2020 đã có gần 2.000 vụ bạo hành trẻ được phát hiện. Một báo cáo khác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho thấy trong 2 năm (từ tháng 6-2019 đến tháng 6-2021), cả nước có hơn 4.000 trẻ bị xâm hại, trong đó chủ yếu ở độ tuổi từ 13-16 (chiếm hơn 66%), đặc biệt có hơn 293 trường hợp trẻ dưới 6 tuổi. Đáng nói, xu hướng trẻ bị xâm hại năm sau cao hơn năm trước. Một con số khác mà UNICEF từng đưa ra trước đây là có đến 68,4% trẻ em Việt Nam từng bị cha mẹ hoặc người chăm sóc bạo hành tại nhà. Dẫn giải Nguyễn Trung Huyên, nghi phạm chính trong vụ bé gái có 9 dị vật giống đinh trong sọ não, đi thực nghiệm hiện trường Ảnh: TRỌNG PHÚ Đó chỉ là những con số bề nổi bởi rất nhiều vụ không được phát hiện, không được báo cáo hoặc tố giác. Trong khi đó, Việt Nam đã có Luật Trẻ em năm 2016 quy định rõ 25 quyền của trẻ em như quyền sống; quyền được chăm sóc sức khỏe; quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng; quyền vui chơi, giải trí, giáo dục, học tập… Luật Trẻ em cũng quy định rõ 15 hành vi bị nghiêm cấm như tước đoạt quyền sống của trẻ em; xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em… Đối với các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, khuyết tật, không nơi nương tựa, trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực… là những trường hợp cần được chăm sóc và có chính sách phù hợp để giáo dưỡng, giúp các trẻ hòa nhập và phát triển lành mạnh. Trách nhiệm của các bên liên quan trong việc thực hiện quyền của trẻ em cũng được nêu khá rõ trong Luật Trẻ em, bao gồm hầu hết các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương, từ cơ quan lập pháp đến hành pháp và tư pháp, từ nhà nước đến Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội, từ tổ chức chính trị đến các tổ chức xã hội và tổ chức kinh tế, từ gia đình đến nhà trường… Với quy định đó, tưởng chừng mạng lưới bảo vệ quyền trẻ em sẽ rất dày, vậy mà trẻ vẫn bị xâm hại, bạo hành. Khoảng trống cần lấp đầy Luật Trẻ em quy định 3 cấp độ bảo vệ trẻ em là phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp. Thực tế cho thấy công tác phòng ngừa chưa được chú trọng đúng mức hoặc cơ chế phòng ngừa hiện chưa thực sự hiệu quả. Cách tiếp cận của luật cho thấy nghiêng nhiều về cấp độ can thiệp và hỗ trợ nhiều hơn so với cấp độ phòng ngừa. Các biện pháp ở cấp độ phòng ngừa như nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, giáo dục tư vấn, tuyên truyền phổ biến, cung cấp thông tin… là cần nhưng vẫn chưa đủ. Nghị định 56/2017/NĐ-CP chỉ hướng dẫn một số điều của Luật Trẻ em, còn lại nhiều khoảng trống pháp lý chưa được hướng dẫn rõ hoặc còn chung chung có thể dẫn đến tính hình thức. Chẳng hạn quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trong quá trình xây dựng chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em đòi hỏi phải có sự tham gia của trẻ em nhưng lại quy định nếu cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản không trực tiếp tổ chức việc lấy ý kiến của trẻ em thì có thể lấy ý kiến thông qua các tổ chức đại diện trẻ em như Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. Trách nhiệm của chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cơ sở còn chung chung, chưa thực sự tiếp cận theo hướng phòng ngừa. Quy định mang tính hướng dẫn quy trình, chủ yếu từ khâu tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tiếp nhận tố giác hành vi xâm hại trẻ em đến khâu hỗ trợ, can thiệp, đối với các trẻ bị xâm hại hoặc nguy cơ bị xâm hại. Trong khi đó, với cách tiếp cận phòng ngừa, yêu cầu về trách nhiệm quản lý địa bàn phải được làm rõ, nắm bắt thông tin sớm trong cộng đồng, lập bản đồ các trường hợp nguy cơ, đưa ra các thông báo nhắc nhở, cảnh báo đối với các gia đình, bố mẹ có thói quen bạo hành, các đối tượng có khả năng xâm hại, bạo hành trẻ em. Chúng ta thường đưa ra giả định lý tưởng gia đình là mái ấm, bố mẹ là điểm tựa, che chở và bảo vệ con cái, song thực tế qua nhiều vụ việc vừa qua cho thấy chính gia đình, người thân mới là nỗi ám ảnh của con trẻ. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em vào năm 1990. Việt Nam cũng là nước đưa ra cam kết thực hiện Tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh thế giới "Về sự sống còn, bảo vệ và phát triển trẻ em" và Tuyên bố của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về "Một thế giới phù hợp với trẻ em". Có thể thấy, Việt Nam luôn thể hiện sự chủ động hội nhập và tích cực tham gia vào các điều ước quốc tế. Điều này giúp thúc đẩy nhanh các cải cách thể chế trong nước để hòa nhập với môi trường xã hội chung của các nước phát triển. Chúng ta tự hào về điều này nhưng những sự việc bạo hành trẻ em xảy ra một cách dã man buộc chúng ta phải suy nghĩ lại và phải có hành động khẩn cấp. Những thành quả trong hơn 3 thập niên đổi mới của Việt Nam không chỉ là kinh tế mà còn là những tiến bộ trong phát triển con người. Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) mới đây tiếp tục đánh giá Việt Nam là nước có chỉ số phát triển con người HDI cao so với mức thu nhập, song chỉ số này không phản ánh toàn diện các khía cạnh của sự phát triển con người, cụ thể là trẻ em. Tầm nhìn trở thành nước phát triển vào năm 2045 mà Việt Nam theo đuổi sẽ không thể thành hiện thực nếu hôm nay không ươm mầm và nuôi dưỡng một thế hệ trẻ em Việt Nam khỏe về thể lực, mạnh về trí tuệ và cảm xúc. Việc chế định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hay cá nhân liên quan tưởng như rất rõ ràng nhưng khi xảy ra trục trặc lại khó quy trách nhiệm cụ thể cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.
Trách nhiệm bảo vệ trẻ em Trách nhiệm bảo vệ trẻ trước hết và trên hết phải là của nhà nước, sau đó mới nói đến vai trò từ phía nhà trường và xã hội. Gia đình đương nhiên phải có vai trò quyết định trong việc giáo dưỡng trẻ em, ít nhất từ tuổi lọt lòng cho đến khi trưởng thành nhưng tuyệt nhiên chúng ta không bao giờ được phép xem đây là một mệnh đề luôn đúng. Giải pháp hạn chế nạn bạo hành Trước hết, tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ, người trực tiếp làm việc với trẻ em; trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình trước các nguy cơ bị xâm hại cho trẻ em. Cha mẹ, người thân thường xuyên quan tâm, chia sẻ với trẻ để nhận thấy những thay đổi tâm sinh lý của trẻ. Ngành giáo dục cần xây dựng môi trường sư phạm an toàn, lành mạnh; kịp thời phát hiện các trường hợp học sinh có dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại; cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để thực hiện việc điều tra, xử lý. Đặc biệt là trang bị kiến thức để trẻ nhận biết và phòng vệ. Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của khu phố, hội... Các cơ quan báo chí cần dành thời lượng, chuyên mục, chuyên trang hợp lý để đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em. Các cơ quan tố tụng cần kịp thời giải quyết và xử lý nghiêm các vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ trong xử lý vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Nâng cao hơn nữa hoạt động của các tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em, đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em, đường dây nóng... để mọi cơ quan, tổ chức, người dân và trẻ em liên hệ miễn phí khi cần tìm kiếm thông tin, cần trợ giúp hoặc tố giác hành vi xâm hại trẻ em. Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ) Theo NLĐ
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|