Khu vực E-zone được BIDV chi nhánh Thành Đông đưa vào sử dụng từ đầu tháng 2 giúp khách hàng thực hiện các giao dịch với ngân hàng nhanh chóng, tiện lợi
Đại dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp khiến xu hướng không dùng tiền mặt cũng như ứng dụng công nghệ số trong thanh toán ngày càng trở nên phổ biến. Các ngân hàng đã và đang tích cực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.
Thay đổi cả chất và lượng
Sau lần đầu trải nghiệm khu vực dịch vụ ngân hàng điện tử E-zone của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Thành Đông, chị Nguyễn Thị Ngọc Hà ở TP Hải Dương không khỏi bất ngờ bởi tính đa dụng và hiện đại của khu vực tiện ích này.
Được lắp đặt và đưa vào sử dụng từ đầu tháng 2, khu E-zone của BIDV chi nhánh Thành Đông được trang bị 3 máy tính cấu hình cao, cung cấp một số dịch vụ ngân hàng thiết yếu như nộp, rút tiền mặt; thanh toán hóa đơn; chuyển tiền; gửi tiết kiệm… Màn hình dịch vụ hiển thị trực quan, dễ hiểu đã tạo thuận lợi cho chị Hà cũng như nhiều khách hàng khác khi giao dịch. “So với trước, sử dụng dịch vụ thông qua khu vực E-zone giúp tiết kiệm thời gian vì không phải chờ đợi tại quầy”, chị Hà nói.
Thời gian tới, BIDV chi nhánh Thành Đông sẽ lắp đặt khu dịch vụ điện tử đa dụng này tại tất cả các phòng giao dịch trực thuộc trong tỉnh.
Xác định chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là chiến lược, cơ hội để bứt phá, nhiều ngân hàng đã và đang tập trung triển khai, phát triển các dịch vụ ngân hàng số hiện đại. Không chỉ E-zone, hàng loạt ngân hàng đã nâng cấp, xây dựng các ứng dụng phục vụ giao dịch điện tử thế hệ mới, từ đó tạo thuận lợi trong phục vụ khách hàng. Tiêu biểu như BIDV SmartBanking, VCB Digibank, VietinBank iPay, Agribank E-Mobile, Sacombank Pay… Nhiều ứng dụng ngân hàng số đã tích hợp tính năng “đi chợ online” để phục vụ khách hàng trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. “Ứng dụng ngân hàng điện tử ngày càng hoàn thiện, giống như một ngân hàng di động thu nhỏ trong chiếc điện thoại thông minh với rất nhiều tiện ích” là nhận xét chung của khách hàng.
Bà Vũ Thị Thu Nga, Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chi nhánh Hải Dương nhận định: “Trong bối cảnh bùng nổ về công nghệ đòi hỏi các tổ chức tín dụng phải thích ứng và thay đổi thật nhanh. Qua đó nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa giá trị và trải nghiệm cho khách hàng, từ đó khẳng định thương hiệu”.
Thách thức hạ tầng và bảo mật
Theo bà Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và xu hướng số hóa tác động sâu rộng tới hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực. Các ngân hàng đã khai thác tối đa hiệu quả từ số hóa dữ liệu đến phân tích thị trường để có những sản phẩm số phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Đến ngày 31.5, các ngân hàng trong tỉnh đã triển khai lắp đặt 330 ATM, 1.048 POS. Toàn tỉnh có 100% số đơn vị chi trả trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản; tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt trên 6%; thanh toán viễn thông không dùng tiền mặt đạt trên 20%... Đây là kết quả tích cực của ngành ngân hàng về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Cùng với đó, thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, phát triển bền vững theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ, các ngân hàng đã ứng dụng ngày càng nhiều sản phẩm số. Hàng loạt công nghệ mới đã và đang được áp dụng như công nghệ Blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ học máy (Machine Learing), tư vấn tự động (Chatbot)…
Đặc biệt, từ tháng 3.2021, các ngân hàng ứng dụng công nghệ định danh điện tử eKYC, khách hàng không cần đến quầy trực tiếp để thực hiện các dịch vụ.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chuyển đổi số, các ngân hàng cũng gặp không ít thách thức. Cơ sở hạ tầng của một số ngân hàng hạn chế, dẫn đến khó khăn trong xây dựng hạ tầng số đồng bộ, chuẩn kỹ thuật. Ngoài ra, tội phạm công nghệ cao ngày càng tăng với nhiều thủ đoạn mới và tinh vi. Hàng loạt rủi ro về bảo mật mà các ngân hàng phải đối mặt như lộ SMS OTP, tài khoản giả mạo, sử dụng chứng minh thư giả để mở tài khoản… Ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc BIDV chi nhánh Thành Đông cho biết: “Thực tế đó đòi hỏi các ngân hàng phải không ngừng nâng cấp, nâng cao tính an toàn, chắc chắn của hệ thống. Đặc biệt, phải có những phương án để xử lý khi sự cố xảy ra”.
Thời gian tới, các ngân hàng cần đầu tư hạ tầng đồng bộ để kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, doanh nghiệp… nhằm khai thác, tổng hợp phục vụ xác minh thông tin, phân loại, đánh giá khách hàng. Triển khai các chương trình giáo dục tài chính cho người dân, doanh nghiệp để nâng cao hiểu biết trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số.