Ngành Giáo dục cần có phương án ứng phó Covid-1916/11/2021 - 15:58:00 TS Lê Thống Nhất cho rằng, cần nghiên cứu kỹ những tác động của dịch Covid-19 đến tất cả mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục để lên phương án chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh, linh hoạt dạy và học theo các hình thức phù hợp với từng địa bàn, lứa tuổi, đẩy mạnh mua sắm trang thiết bị để sẵn sàng dạy và học trực tuyến…
Lo lắng của phụ huynh Có con học lớp 1, chị Nguyễn Ngọc Lan (Duy Tiên, Hà Nam) cho biết, chị đang rất lo lắng về việc đến cuối năm con có đọc thông, viết thạo như yêu cầu đặt ra với học sinh học xong lớp 1 hay không? “Gia đình dù rất cố gắng để đồng hành cùng giáo viên trong việc hướng dẫn con học trực tuyến nhưng thiếu phương pháp sư phạm lại thêm khủng hoảng tâm lý chuyển cấp từ mầm non sang tiểu học trong khi phải học ở nhà nên tôi gần như “bất lực” trong việc chỉ bảo con. Chúng tôi phải thường xuyên trao đổi, chia sẻ với cô chủ nhiệm để tìm biện pháp hướng dẫn con theo kịp tiến độ học của cả lớp”- chị Lan nói. PGS. TS Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng, các giáo viên hiện nay dùng Zoom, Zalo,... hầu như để “nhìn thấy mặt học sinh” chứ không thể chiếu slide hay sách điện tử, không giao bài tập và theo dõi được quá trình học tập của học sinh, cũng như học sinh không tự học, không được đánh giá tự động. “Chúng ta đang thiếu một hệ thống để dạy học trực tuyến đầy đủ, trong đó hỗ trợ bài toán quản trị, dạy học ứng dụng công nghệ và có thể đánh giá trong quá trình dạy học. Vì vậy, đòi hỏi phải đầu tư hệ thống học tập trực tuyến theo đúng nghĩa trường học công nghệ. Việc này không phải chỉ là việc riêng của từng trường mà phải đồng bộ cả hệ thống” - ông Thơ nêu ý kiến. Cần đánh giá để có phương án thích ứng Báo cáo chuyên đề gửi các đại biểu Quốc hội của Đảng đoàn Quốc hội về lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã chỉ ra: Từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã có nhiều tác động tiêu cực đến ngành Giáo dục cũng như lĩnh vực khác… Theo đó, việc triển khai học tập trực tuyến do dịch Covid-19 đã tác động lớn đến chất lượng học tập của học sinh… Đối với học sinh cấp tiểu học (nhất là lớp 1) và học sinh ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hình thức học trực tuyến còn gặp nhiều thách thức, khó triển khai hoặc triển khai không hiệu quả. Riêng đối với việc dạy học qua truyền hình, báo cáo cho thấy phương thức này phù hợp hơn với học sinh cấp tiểu học, chi phí thấp, không gây áp lực cho gia đình học sinh nhưng hạn chế về khả năng tương tác, ảnh hưởng tới chất lượng dạy học. Ở nhiều địa phương, việc dạy và học trên truyền hình, qua internet chưa thực sự hiệu quả. Liên quan đến vấn đề dạy học trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng thẳng thắn thừa nhận dạy học trực tuyến chưa thể và khó thay thế dạy học trực tiếp. Đặc biệt việc dạy học trực tuyến ảnh hưởng lớn đến việc trang bị những kỹ năng chỉ hình thành trong việc dạy học trực tiếp. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng phát biểu tại Quốc hội: “Chính phủ xin chia sẻ những khó khăn khi cuộc sống, sinh hoạt của các gia đình, thầy cô giáo, các em học sinh bị đảo lộn trong thời gian qua. Việc dạy và học trực tuyến toàn phần chỉ là giải pháp tình thế trong điều kiện chưa tiêm phủ vaccine cho học sinh và điều kiện phòng, chống dịch chưa đáp ứng yêu cầu”. Trên thực tế, 41% báo cáo từ địa phương cho thấy cha mẹ học sinh lo lắng về chất lượng dạy học, sức khỏe của học sinh khi học trực tuyến. Những tâm tư của phụ huynh là điều dễ nhận thấy nhưng để khắc phục và tìm ra phương pháp dạy học thích ứng, cần có một điều tra, khảo sát đầy đủ về việc đánh giá chất lượng dạy học trực tuyến. Trước mắt, TS Lê Thống Nhất cho rằng, chúng ta không nên “ép” để học sinh quay trở lại trường khi tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát. Chúng ta đã nhìn thấy bài học của những địa phương mở cửa trường học rồi lại đóng cửa, quay lại học trực tuyến vì dịch bùng phát. Điều đó do dịch bệnh quyết định, vấn đề không nằm ở ngành Giáo dục. Vấn đề là nghiên cứu kỹ những tác động của dịch Covid-19 đến tất cả mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục để lên phương án chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh, linh hoạt dạy và học theo các hình thức phù hợp với từng địa bàn, từng lứa tuổi, đẩy mạnh mua sắm trang thiết bị để sẵn sàng dạy và học trực tuyến… Còn PGS. TS Chu Cẩm Thơ cho rằng, về lâu dài để dạy và học trực tuyến hiệu quả, phải có chiến lược để nâng kỹ năng cho cả người dạy, người học và cả các chủ thể liên quan. Cụ thể, HS cần có năng lực số bao gồm phải biết về an toàn số. Còn giáo viên, không phải chỉ có giao tiếp trên nền tảng công nghệ mà còn phải thiết lập, xây dựng lại chương trình học tập cho học sinh. Không thể bê nguyên chương trình học trực tiếp trên trường cho học sinh học trực tuyến. Bởi như vậy rất ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh, không còn thời gian tự học với những gì đã được chương trình hóa, số hóa. Theo TS Lê Thống Nhất, học trực tuyến không thể yêu cầu chất lượng như học trực tiếp. Nhưng với giải pháp tình thế này, đầu tiên vẫn là vai trò, sự chuyển động của giáo viên, sau đó là ý thức trực tiếp của người học và sự hỗ trợ của gia đình. Trong đó, thầy cô trước đây chưa được đào tạo về dạy học trực tuyến. Mặc dù vừa qua đã triển khai tập huấn dạy học trực tuyến cho hàng vạn giáo viên nhưng đây là cả một hệ thống kiến thức, không thể chỉ qua vài buổi tập huấn là thành thạo kỹ năng. Chưa kể, dạy học trực tuyến không phải là bê nguyên xi bài giảng của tiết học trực tiếp lên dạy qua zoom là xong mà đòi hỏi rất nhiều sự chuẩn bị khác. Về phía người học, học trực tuyến chỉ có tác dụng khi người học tự nguyện, lúc đó mới có hiệu quả được. Nhưng học trực tuyến không phải dành cho mọi người, nhất là ở khối lớp nhỏ chưa hình thành kỹ năng, phương pháp tự học. Bù lại học trực tuyến có ưu điểm là học ở muôn nơi, học bất cứ khi nào rảnh nên nhìn chung, mỗi hình thức có ưu điểm riêng, không nên so sánh học trực tuyến với trực tiếp mà cần tìm cách phát huy thế mạnh của mỗi hình thức trong hoàn cảnh cụ thể. “Nếu học trực tiếp rồi, thêm học trực tuyến và tự học thì đó chính là học tập suốt đời mà chúng ta đang hướng tới” - ông Nhất chỉ ra. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|