Ngành rau quả hướng tới mục tiêu 10 tỷ USD vào năm 203015/10/2024 - 08:59:00 Xuất khẩu rau quả 9 tháng đạt gần 5,7 tỷ USD, bằng kim ngạch cả năm 2023. Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) Đặng Phúc Nguyên, với đà tăng trưởng hiện nay và nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng của thị trường Trung Quốc, mỗi năm, ngành rau quả sẽ có thêm một kỷ lục mới và có thể xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2030.
Kim ngạch 9 tháng đạt mức cao nhất từ trước đến nay - 9 tháng năm nay, xuất khẩu rau quả tăng trưởng như thế nào, thưa ông? - Xuất khẩu rau quả 9 tháng đạt gần 5,7 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ và bằng kim ngạch của cả năm ngoái. Sầu riêng tiếp tục là sản phẩm có sức tăng trưởng tốt nhất, đạt giá trị 2,5 tỷ USD. Tiếp đến, thanh long, chuối, mít và xoài cũng đóng góp đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu. Hầu hết 10 thị trường chính nhập khẩu rau quả Việt Nam đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh, ngoại trừ Hà Lan. Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của rau quả Việt Nam với kim ngạch 9 tháng đạt 3,4 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2023. Theo sau là Mỹ, Hàn Quốc và Thái Lan với giá trị nhập khẩu tăng trưởng 35 - 90%. - Lễ hội trái cây Việt Nam lần thứ nhất vừa diễn ra tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc mở ra cơ hội gì cho ngành rau quả Việt Nam? - Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, như: sầu riêng, tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, thạch đen, măng cụt, vải và chanh dây, sầu riêng, thanh long...Tuy nhiên, lâu nay, chúng ta tập trung xuất khẩu ở vùng phía Nam của Trung Quốc, các tỉnh giáp biên giới như Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam…, sau đó thương nhân của Trung Quốc sẽ mang hàng lên phía Bắc nước này để tiêu thụ. Ít có hàng hóa của Việt Nam bán trực tiếp tại phía Bắc của Trung Quốc. Vì vậy, Lễ hội trái cây vừa qua là dịp để quảng bá, giới thiệu cho người tiêu dùng phía Bắc Trung Quốc biết đến những doanh nghiệp, những sản phẩm Việt Nam. Sự thành công của lễ hội lần này sẽ là tiền đề, là điểm tựa để Việt Nam có những lễ hội khác quy mô, phong phú hơn; từ đó thúc đẩy mở cửa thị trường, mở rộng danh mục các loại trái cây, nông sản được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. - Theo ông, xuất khẩu rau quả năm nay sẽ đạt bao nhiêu tỷ USD? - Sắp bước vào mùa đông, nên cây trái của các nước tiêu thụ rau quả nhiều sẽ thu hoạch kém; còn tại Việt Nam, mùa đông lại là mùa khô nên thuận lợi để trồng rau quả, từ đó sản lượng nhiều. Ngoài ra, Việt Nam có kết nối về đường bộ, đường biển, đường sắt với thị trường Trung Quốc, tạo thuận lợi giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển. Thời gian qua, thị trường xuất khẩu rau quả được mở ra, các mặt hàng xuất khẩu ngày càng phong phú. Với những điểm thuận lợi trên, dự kiến cả năm xuất khẩu rau quả sẽ vượt mốc 7 tỷ USD, vượt xa mục tiêu đề ra. Và với sự tăng trưởng như hiện nay, nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng của thị trường Trung Quốc, mỗi năm ngành rau quả sẽ có thêm một kỷ lục mới và có tiềm năng đạt cột mốc xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2030. Quan tâm, hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp - Bên cạnh tốc độ tăng trưởng ấn tượng, ngành rau quả hiện phải đối mặt với những thách thức gì, thưa ông? - Hiện sản xuất rau quả còn manh mún, nhỏ lẻ; các hợp tác xã chưa nhiều, chưa mạnh; chất lượng hàng hóa chưa đồng đều, lúc chín, lúc non, lúc già… gây khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu các sản phẩm. Điều này dẫn đến việc cùng loại mặt hàng, sản phẩm nhưng hàng hóa của Việt Nam bán không được cao giá so với các nước khác. Đơn cử, sầu riêng của mình bao giờ bán giá cũng thấp hơn so với Thái Lan, Malaysia… Bên cạnh đó, vệ sinh an toàn thực phẩm thời gian qua cũng được quan tâm những vẫn còn vài vướng mắc, khó khăn. Dù vậy, những hạn chế này không chỉ riêng Việt Nam mà các nước có nền nông nghiệp tiên tiến đôi khi cũng có những lô hàng vướng phải vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng... Quan trọng là người dân và doanh nghiệp Việt Nam đã và đang rút kinh nghiệm và dần dần cải tiến sản xuất tốt hơn, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. - Ngành rau quả đang hướng đến mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2030. Để đạt được con số này, theo ông trước mắt và dài hạn cần phải tập trung vào những vấn đề gì? - Trước mắt ngành rau quả cần tập trung vào những giải pháp cụ thể như nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng, khẳng định thương hiệu. Doanh nghiệp tìm hiểu kỹ quy định của các thị trường từ truyền thống lẫn thị trường mới tiềm năng để có những cải tiến về bao bì, chất lượng đáp ứng yêu cầu. Về lâu dài, Nhà nước cần đầu tư, tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng về đường sá, giao thông; tiếp tục cải tiến các thủ tục hành chính ở các cửa khẩu, các cảng để doanh nghiệp có thể xuất khẩu hàng hóa nhanh chóng. Đồng thời, có những ưu tiên cho doanh nghiệp trong vấn đề vay vốn ngân hàng để đẩy mạnh đầu tư sản xuất, hàng hóa; nhất là sau này khi xuất khẩu những hàng đông lạnh đòi hỏi những nhà máy cấp đông tiên tiến, kỹ thuật cao… Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có những chương trình hướng dẫn người dân cải tiến giống cây trồng, những phương pháp trồng trọt kiểm soát chất lượng tốt hơn. Tiếp tục đàm phán mở thêm các thị trường mới, quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp được cấp mã số vùng trồng nhanh chóng, thuận lợi… Đối với Bộ Công Thương quan tâm, cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để xuất khẩu rau quả có cơ hội đẩy mạnh ra nhiều thị trường trên thế giới. - Xin cảm ơn ông! Theo ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|