Ngành thép 2025: Cơ hội và thách thức25/12/2024 - 15:01:00 Khép lại năm 2024, ngành thép Việt Nam đang được hưởng lợi từ nhu cầu thép trong nước, cũng như xuất khẩu ngày càng tăng. Tuy vậy, bước sang năm 2025, ngành thép được dự báo sẽ đối diện với không ít thách thức.
Giá thép tăng Số liệu báo cáo từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, tính chung 10 tháng năm 2024, sản xuất thép thô đạt hơn 18,194 triệu tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Tiêu thụ thép thô nội bộ và xuất bán đạt 17,796 triệu tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt 2,322 triệu tấn, tăng 56% so với cùng kỳ 2023 (chủ yếu là xuất khẩu phôi thép dẹt). Sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 24,473 triệu tấn, tăng 8,5%. Bán hàng thép thành phẩm đạt 24,472 triệu tấn, tăng 15,6% so với 10 tháng 2023. Theo VSA, mức tăng trưởng được ghi nhận ở tất cả các mặt hàng, trong đó cuộn cán nguội (CRC) đạt cao nhất 41,9%, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu 35,1%, thép xây dựng 15,7% và ống thép 6,4%, riêng thép cuộn cán nóng (HRC) giảm nhẹ so với cùng kỳ 2023. Xuất khẩu thép thành phẩm 10 tháng năm 2024 đạt 7,119 triệu tấn, tăng 6,2% so với cùng kỳ 2023. Tốc độ tăng trưởng đều ở các mặt hàng trừ HRC giảm 26,3%. Trong đó, thép xây dựng ghi nhận hơn 1,25 triệu tấn được bán ra, tăng lần lượt gần 34% và 44% so với tháng trước và cùng kỳ 2023. Đây là mức tiêu thụ cao nhất kể từ tháng 3/2022. Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận xét, ngành thép đang bước vào chu kỳ phục hồi. Giá thép xây dựng tăng phản ánh tâm lý kỳ vọng thị trường bất động sản trong nước khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, giá nguyên liệu đầu vào cao hơn là một trong những nguyên nhân chính khiến giá thép tăng. Giá thép trong nước chịu tác động lớn bởi thị trường Trung Quốc, nhà sản xuất và tiêu thụ thép lớn nhất thế giới, chiếm đến 50% tổng sản lượng toàn cầu. Trước đó, do sự hấp thụ kém của thị trường, Trung Quốc đã đẩy mạnh xuất khẩu thép với giá thấp. Nhưng hiện nay, kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ sớm hồi phục, giá phôi thép có diễn biến tăng nên các doanh nghiệp (DN) sản xuất thép bắt đầu tăng giá bán thành phẩm. Giám đốc Phân tích, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, thời gian tới, thị trường bất động sản Trung Quốc có thể sẽ hồi phục rõ nét hơn, kéo theo nhu cầu cả về nguyên liệu sản xuất thép và thép thành phẩm gia tăng, dẫn tới giá bán tăng, ảnh hưởng đến giá thép trên thị trường Việt Nam. Khi đó, những DN thép dự trữ nguyên liệu có giá thấp từ trước sẽ được hưởng lợi. Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam dự báo, giá thép năm 2025 tăng hơn 8%. Theo đó, thuế chống bán phá giá với thép cuộn cán nóng (HRC) và tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc có thể được áp dụng, đồng thời cán cân cung, cầu thép tại Trung Quốc cân bằng hơn sẽ giảm thiểu lượng thép nhập khẩu tràn vào Việt Nam. Thách thức về giá và môi trường Theo VSA, bước sang năm 2025, ngành thép có thể chứng kiến sự gia tăng tiêu thụ thép trong nước nhờ vào các dự án lớn của Chính phủ và đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng. Việc đẩy mạnh các chương trình phát triển hạ tầng như xây dựng các tuyến cao tốc, sân bay, đường sắt và các khu đô thị thông minh sẽ tạo ra nhu cầu thép lớn cho ngành xây dựng. Ngoài ra, việc các thị trường quốc tế như Mỹ, EU và ASEAN dần phục hồi sau đại dịch cũng tạo ra cơ hội xuất khẩu cho các DN thép Việt Nam. Mặc dù có sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia sản xuất thép lớn như Trung Quốc, Ấn Độ hay Nhật Bản nhưng với chất lượng thép ngày càng được cải thiện, cộng với lợi thế chi phí sản xuất thấp, thép Việt Nam vẫn có cơ hội gia tăng xuất khẩu trong thời gian tới. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, thách thức còn rất lớn khi biến động giá nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, than cốc và năng lượng luôn là yếu tố gây áp lực lớn đối với các DN thép. Bên cạnh đó là sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ quốc tế, đặc biệt từ Trung Quốc và Ấn Độ. Cùng với đó, những yêu cầu về bảo vệ môi trường đang gia tăng không chỉ từ Việt Nam mà còn từ các thị trường xuất khẩu lớn. Bài toán đầu tư vào công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường đòi hỏi một khoản chi phí lớn không phải DN nào cũng đủ khả năng tài chính. Hiện nhiều DN thép đã ứng dụng công nghệ sản xuất sạch và mở rộng xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị ngành thép. Tuy vậy vẫn cần tiếp tục đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và thực hiện các giải pháp phát triển xanh để đối phó với những thách thức. Nhận định từ các chuyên gia cho thấy, năm 2025, áp lực từ các quy định về bảo vệ môi trường dự kiến tăng lên, yêu cầu ngành thép phải chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh và bền vững. Các DN lớn cần đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ sản xuất hiện đại, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải. Việc áp dụng công nghệ xanh không chỉ giúp các DN đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế mà còn giúp tiết kiệm chi phí dài hạn, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng cường năng lực cạnh tranh. DN cũng có thể tận dụng cơ hội từ việc phát triển các sản phẩm thép xanh để thu hút các dự án xây dựng bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|