Một trong những chủ đề chính trong ngày làm việc thứ hai của Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Cornwall (Anh) là thảo luận chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc. Đáng chú ý tại hội nghị là các nhà lãnh đạo G7 ủng hộ kế hoạch toàn cầu mới trị giá 40.000 tỷ USD xây dựng cơ sở hạ tầng ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Bước đi này được cho là nhằm cạnh tranh với sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, vốn bị phương Tây chỉ trích là "ngoại giao bẫy nợ".
Các nước G7 ước tính rằng, các nước đang phát triển cần hơn 40.000 tỷ USD để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng vốn càng trở nên cấp bách hơn do đại dịch Covid-19. Kế hoạch "Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn" sẽ huy động hàng trăm tỷ USD cho đầu tư cơ sở hạ tầng tại các nước thu nhập thấp và trung bình, trong các lĩnh vực ưu tiên như môi trường và khí hậu, bảo vệ người lao động, minh bạch và chống tham nhũng.
Việc thực hiện kế hoạch sẽ có phạm vi toàn cầu, từ châu Mỹ Latin và Caribe đến châu Phi và tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các đối tác G7 khác nhau sẽ có các định hướng địa lý khác nhau, nhưng tổng thể của sáng kiến sẽ bao gồm các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trên toàn thế giới.
Đánh giá về sáng kiến này của các nước G7, phóng viên Syrin của hãng tin Times Now (Ấn Độ) đang đưa tin tại hội nghị nhận định: “Lãnh đạo các nước G7 đều bày tỏ lo ngại trước những hành động của Trung Quốc gần đây và cả trong thời gian tới. Do đó, họ hiểu rằng cần phải có một phản ứng thống nhất của các nước G7 trước sự trỗi dậy đáng quan ngại của Trung Quốc. Kế hoạch "Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” của G7 sẽ nhằm cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và con đường của Trung Quốc”.
Sáng kiến cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường của Trung Quốc trị giá hàng nghìn tỷ USD, bị các nước phương Tây, trong đó có Mỹ chỉ trích là kiểu "ngoại giao bẫy nợ", với "sự thiếu minh bạch và các tiêu chuẩn lao động, môi trường thấp kém" . G7 khẳng định, kế hoạch "Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn" sẽ chào mời sự hợp tác dựa trên sự “minh bạch, tiêu chuẩn cao và hướng tới các giá trị”.
Trong cuộc họp hôm qua (12/6), các nhà lãnh đạo G7 cũng thảo luận về “cạnh tranh chiến lược" với Trung Quốc. Tuy nhiên, truyền thông phương Tây nhận định trong ngày làm việc thứ hai rằng, các nhà lãnh đạo G7 đã thể hiện những bất đồng trong cách tiếp cận Trung Quốc. Lãnh đạo Mỹ, Anh, Canada và Pháp muốn có hành động cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Trong khi đó Đức, Italy tìm cách nhấn mạnh những lĩnh vực hợp tác với Trung Quốc.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận định: “Chúng ta cần hợp tác với tất cả các nước trên thế giới. Chúng ta phải hành động cùng nhau, đặc biệt như vấn đề biến đổi khí hậu đa dạng sinh thái - những lĩnh vực chúng ta sẽ không tìm kiếm được giải pháp nếu không có Trung Quốc”.
Hôm nay (13/6), các nhà lãnh đạo G7 tiếp tục ngày làm việc cuối cùng với việc công bố thỏa thuận ngăn chặn các đại dịch trong tương lai và một tuyên bố chung cung cấp chi tiết về Kế hoạch "Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn”. Một tuyên bố chung sau Hội nghị, trong đó vấn đề Trung Quốc sẽ được đề cập ra sao, cũng đang được dư luận đặc biệt chờ đợi và quan tâm./.