Ngày thế giới kéo đến Việt Nam làm chip không xa vời07/11/2024 - 08:58:00 Trong bối cảnh ngành bán dẫn thế giới có nhiều chuyển biến quan trọng, Việt Nam đang làm hết sức để nâng tầm quốc gia trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu.
Công nghiệp bán dẫn có tác động sâu sắc tới nền kinh tế toàn cầu. Chất bán dẫn là nền tảng cho các thiết bị điện toán, trung tâm dữ liệu, đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển của điện thoại thông minh, các thiết bị IoT và tới đây là kỷ nguyên AI. Trong bối cảnh ngành bán dẫn toàn cầu chứng kiến nhiều chuyển biến quan trọng, Việt Nam đã trở thành điểm đến hứa hẹn, với triển vọng tăng trưởng tươi sáng. Việt Nam đang đứng trước cơ hội tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn và đã thể hiện rõ khát vọng trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Bình luận về câu chuyện này, TS. Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, thời gian qua, nhiều lãnh đạo các tập đoàn công nghệ bán dẫn trên thế giới đã đến Việt Nam. Các doanh nghiệp đóng gói kiểm thử lớn cũng đã xuất hiện ở Việt Nam. Điều đó cho thấy, Việt Nam đang có một hệ sinh thái bán dẫn tốt. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp bán dẫn trên thế giới tìm đến Việt Nam. “Với sự chuyển dịch chuỗi cung ứng từ các nước, đặc biệt là Trung Quốc, Việt Nam là một trong những quốc gia được lựa chọn để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Cơ sở quan trọng của điều này là nhờ nguồn nhân lực chất lượng cao và dồi dào. Do đó, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn của ngành công nghiệp bán dẫn thế giới”, Phó Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia chia sẻ. Theo TS. Võ Xuân Hoài, để nâng tầm Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, Việt Nam cần có sự chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng, bao gồm hạ tầng về điện, nước sạch, hạ tầng logistic. Thời gian qua, Chính phủ và các cơ quan liên quan của Việt Nam đã rất nỗ lực để có sự đầu tư chuẩn bị về mặt cơ sở hạ tầng, cả về hạ tầng điện lẫn sân bay, cảng biển, đường cao tốc nhằm tạo thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp này. Bên cạnh đó, các thể chế, cơ chế chính sách để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn cũng được quan tâm chú trọng với những cơ chế đặc thù, một cửa, chính sách hỗ trợ đầu tư ban đầu. Việt Nam cũng đã có chương trình quốc gia về phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn với mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được 50.000 kỹ sư. Dự báo về tương lai, bà Nguyễn Thị Bích Yến, chuyên gia cao cấp tập đoàn Soitec nhận định, công nghiệp bán dẫn sẽ phát triển rất nhanh trong giai đoạn từ năm 2025-2030. Sức tác động của ngành công nghiệp này tới nền kinh tế sẽ gấp đôi so với 60 năm qua. Đây không chỉ là cơ hội cho Việt Nam mà còn cho toàn thế giới. “Ngành công nghiệp bán dẫn sẽ có sự chuyển biến về mặt kỹ thuật. Điều này sẽ tạo ra cơ hội cho các quốc gia mới bắt đầu tham gia vào ngành bán dẫn”, bà Yến nhận định. Theo bà Nguyễn Thị Bích Yến, với sự phát triển của kỷ nguyên AI, ngành bán dẫn toàn cầu tới đây sẽ cần hơn 1 triệu lao động. Do đó các công ty bán dẫn đã đến Việt Nam và các nước Đông Nam Á để đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Việt Nam có lực lượng nhân sự trẻ hùng hậu, con người Việt Nam có tính cách cầu tiến, không đầu hàng trước khó khăn, đây là điểm mạnh để Việt Nam có thể hướng tới việc cung cấp nguồn nhân lực bán dẫn cho toàn cầu. Ở góc nhìn chuyên gia, bà Yến cho rằng, việc sản xuất vi mạch bán dẫn đòi hỏi số tiền đầu tư khổng lồ. Tuy nhiên, gần đây bóng bán dẫn vi mạch không thể phát triển nhanh hơn nữa và ngày càng đắt hơn, công nghệ bán dẫn đang chuyển dần sang hướng đóng gói (advance packaging). Đây là cơ hội cho Việt Nam. Xu hướng này còn hỗ trợ cho vấn đề thiết kế, thiết kế chip led sẽ dễ dàng hơn chip SoC. Đây là ngạch mà Việt Nam có thể nghiên cứu nhằm đón đầu xu hướng. “Để phát triển đường dài, Việt Nam có thể đầu tư các phòng thí nghiệm cho các trường đại học, cùng với phần mềm để thiết kế chip LED. Nếu làm được Việt Nam có thể đón được ngọn gió trên cao thay vì tầm thấp hơn phía dưới”, bà Bích Yến nêu quan điểm. Theo Vietnamnet
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|