Nghịch lý Bảo hiểm y tế08/04/2021 - 08:35:00 Lâu nay, việc đóng (mua) Bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh bằng loại bảo hiểm này nhận được rất nhiều ý kiến.
Nhưng, dẫu thế thì cũng chỉ là “dư luận” nên cơ quan chức năng cũng không thấy cần thiết phải vào cuộc. Cũng chính vì thế nên sự việc vẫn tồn tại như một tồn đọng. Mới đây, ngày 6/4, thông tin tại hội thảo “Cơ chế tài chính trong chăm sóc sức khỏe người dân” đã khiến không ít người giật mình, vì nó không còn là “dư luận” nữa mà là những con số rõ rành. Tại hội thảo, ông Lê Văn Khảm - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), cho biết hiện gần 90% dân số đã có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT), tuy nhiên chi phí y tế từ tiền túi hộ gia đình vẫn chiếm 43%. Số tiền túi bỏ ra kể cả khi đã có BHYT như vậy là rất cao so với nhiều nước trên thế giới. Tại các nước phát triển, tỉ lệ này chỉ 14%, còn theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là khoảng 20%. “Chi tiền túi cao khiến nhiều gia đình bị nghèo hóa hoặc tái nghèo sau khi điều trị. Mục tiêu của Việt Nam là giảm tỉ lệ chi trả chi phí y tế từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ xuống còn 35% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030, song đây là thách thức rất lớn” - ông Khảm nói. Cũng cần nhắc lại, trong năm 2021, Việt Nam chưa điều chỉnh mức đóng BHYT, hiện phí đóng vẫn là 4,5% lương cơ sở. Nhận xét về việc người dân phải chi trả cho việc khám, chữa bệnh dù đã có BHYT, bà Nguyễn Kim Phương - chuyên gia của WHO tại Việt Nam cho rằng mức chi tiêu cho y tế từ tiền túi của người dân Việt Nam đang ở mức rất cao. Điều đó càng buồn hơn nếu so sánh với các quốc gia phát triển, nơi người dân thu nhập cao và có khả năng chi trả các dịch vụ y tế nhiều hơn. Theo bà Phương, khi khoản chi cho y tế từ tiền túi của người dân bằng hoặc lớn hơn 40% khả năng chi trả của hộ gia đình thì đó là “chi phí y tế mang tính thảm họa”. Cũng rất cần biết rằng, hiện số người tham gia BHYT ở nước ta là 86,5 triệu người (đạt tỉ lệ bao phủ 88,65% dân số). Mỗi người dân Việt Nam khám bệnh trung bình 2,1 lần/năm với số tiền bình quân 129 USD/người (tương đương 3 triệu đồng/người), trong đó có tới 37% là tiền thuốc (tương đương 1,1 triệu đồng). Hơn 86 triệu người có BHYT mà vẫn phải tự chi thêm tới 43% thì đó là con số quá lớn. Với người thu nhập cao hoặc giàu có đã đành một nhẽ, nhưng với đại đa số người thu nhập “rất vừa phải” trong đó có nhiều người thu nhập thấp, nói như vị chuyên gia của WHO thì đúng là một thảm họa. Những năm qua, y tế Việt Nam đạt được nhiều thành tựu vẻ vang, trong đó có thể kể đến việc ghép tạng, chữa vô sinh, can thiệp bệnh tim… Y tế dự phòng của Việt Nam cũng là một điểm sáng. Năm 2020, thiên hạ đã chứng kiến cách Việt Nam chống dịch Covid-19. Là quốc gia đang phát triển, tiềm lực kinh tế chưa dồi dào, đầu tư trang bị cho hệ thống y tế không thể so với các nước giàu nhưng Việt Nam lại chống dịch tốt hơn. Cho tới nay, sau hơn 1 năm đương đầu với đại dịch, số ca nhiễm SARS-CoV-2 của Việt Nam thuộc loại ít nhất thế giới (tính trên tổng số dân) và số ca tử vong do Covid-19 cũng rất ít. Tới nay vẫn là 35 ca, chủ yếu là những trường hợp cao tuổi, có nhiều bệnh nền đã lâu và diễn biến nặng. Không chỉ dập dịch mà Việt Nam còn đạt nhiều kết quả trong nghiên cứu, điều chế vaccine ngừa Covid-19, trở thành 1 trong 14 quốc gia trên toàn thế giới góp mặt trong lĩnh vực này. Thời gian thử nghiệm đang được rút ngắn với hy vọng cuối năm nay chúng ta sẽ có vaccine ngừa Covid-19 do chính mình sản xuất. Nói vậy để thấy một điều như nghịch lý, đó là một mặt chúng ta xây dựng và phát triển được một hệ thống y tế rất tốt với những thành tựu mang tính tiên tiến, nhưng việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân vẫn có vấn đề. Ít nhất nhìn từ chi phí tự bỏ ra của hàng chục triệu con người đã có BHYT. Nhiều năm qua, việc xã hội hóa trong lĩnh vực khám chữa bệnh là rất đáng ghi nhận. Hệ thống bệnh viện tư ngày một nhiều lên. Vậy thì bệnh viện công ở đâu trong sự phát triển ấy, nếu không phải là gánh vác nhiệm vụ chăm lo cho người có BHYT? Thật đáng lo ngại khi mãi vẫn không chấm dứt được chuyện người có thẻ BHYT nhưng cực ngại khi phải xếp hàng đợi đến lượt được khám, chữa, điều trị. Nhiều người khi phải đến bệnh viện “không dám” dùng BHYT mà bỏ luôn tiền ra để khám dịch vụ. Cùng đó là việc phát thuốc theo chế độ của BHYT. Chủ yếu là thuốc “bình dân”, nếu muốn có thuốc tốt thì phải bỏ tiền túi ra mua, mà điều này thì các bác sĩ rất sẵn lòng kê đơn. Trở lại với việc dù đã có thẻ BHYT nhưng chi phí y tế từ tiền túi hộ gia đình vẫn chiếm 43%. Nếu đúng, thì việc này rõ ràng là có vấn đề. Rất mong có sự điều chỉnh để người có BHYT bớt đi sự nhọc nhằn lúc không may phải khám, chữa bệnh. Người ta nói rằng, không có chiếc giường nào đắt hơn giường bệnh, vì rằng phải nằm lâu ngày điều trị là hết sức tốn kém. Điều đó thật sự ghê gớm đối với những người “có thu nhập thấp”. Nói đúng ra, họ là những người nghèo, khi ốm đau bệnh tật chỉ còn biết trông chờ vào tấm thẻ BHYT. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|