Vì sao nhiều cửa hàng xăng dầu phía nam tạm nghỉ bán hàng?

Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, tại một số địa phương phía nam (TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, An Giang, Hậu Giang) có phát hiện một số đơn vị kinh doanh đóng cửa, tạm ngưng hoạt động do nhiều nguyên nhân (không có đủ nguồn cung xăng dầu, lượng tiêu thụ xăng dầu của người tiêu dùng tăng cao do nhu cầu đi lại, không có đủ nhân lực để kinh doanh tại các cửa hàng).

Ông Nguyễn Tiến Đạt- Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Hồ Chí Minh cho biết, những ngày qua, đơn vị cùng với Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu. Thực tế cho thấy, do nguồn cung ứng xăng bị hạn chế, chiết khấu bán hàng gần như không còn dẫn đến bán lẻ xăng dầu bị lỗ; thương nhân phân phối xăng dầu phản ánh gặp khó khăn trong việc mua xăng để cung ứng cho đại lý hoặc thương nhân nhận quyền, khả năng có một số cửa hàng xăng dầu đứt nguồn xăng RON 95 dẫn đến sẽ ngừng bán.

Đáng chú ý, TP. Hồ Chí Minh hiện có một số cây xăng tạm ngưng hoạt động, lý do thiếu xăng RON 95 để bán, tạm ngưng để sửa chữa hệ thống điện, hệ thống phòng cháy chữa cháy và một số lý do khác.

Nguồn cung ứng xăng dầu vẫn đảm bảo
Điểm kinh doanh xăng dầu trên đường Trần Khát Chân (Hà Nội) hoạt động bình thường trong chiều ngày 8/2/2022. Ảnh: Hải Anh

Ông Nguyễn Xuân Thắng – Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ – Sản xuất Thắng Thành, doanh nghiệp phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết phải đóng cửa một số cửa hàng từ trước tết nguyên đán do thiếu nguồn cung và giá bán ra thấp hơn giá nhập vào. Một lít xăng dầu nhập về cao hơn bán ra 200 đồng vì giá xăng dầu bán ra theo quy định của nhà nước, càng bán càng lỗ nặng.

Tương tự, tại tỉnh An Giang, một số cửa hàng xăng dầu đã đóng cửa, tạm ngưng hoạt động trong những ngày qua. Tại huyện Thoại Sơn của tỉnh này đã có 7 cửa hàng xăng dầu ngưng hoạt động do không còn xăng để bán và không được cung cấp kịp thời. Các trường hợp này đã thông báo với Sở Công thương tỉnh An Giang.

Theo lý giải của Bộ Công thương và các đầu mối xăng dầu, tình trạng khan hiếm xăng dầu xuất hiện sau khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, đơn vị chiếm 35% nguồn cung trong nước, phải cắt giảm công suất từ 105% xuống 80% do những khó khăn về tài chính. Sau đó, nhà máy này đã đạt được thỏa thuận hỗ trợ tài chính để duy trì hoạt động song nhà máy vẫn chưa hoạt động tối đa công suất. Trong khi đó, giá xăng dầu thế giới tăng cao trong những ngày qua và giá xăng dầu trong nước không “bắt nhịp kịp”.

Hà Nội: Các cửa hàng kinh doanh xăng dầu cam kết đảm bảo nguồn cung

Chiều 9/2/2022, khảo sát hoạt động kinh doanh xăng dầu nhiều điểm bán hàng tại trung tâm Hà Nội cho thấy vẫn diễn ra bình thường. Nhân viên bán hàng tại cây xăng trên đường Võ Thị Sáu và Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng cho biết, lượng bán hàng sau tết tăng lên do hoạt động của người dân tăng và không lo thiếu hàng để bán.

Trao đổi với PV TBTCO, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, ngày 8/2/2022, đơn vị đã tổ chức lực lượng kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Hà Nội. Hoạt động cửa các điểm kinh doanh xăng dầu vẫn diễn ra bình thường. “Các cửa hàng kinh doanh cũng đã ký cam kết đảm bảo nguồn hàng phục vụ người dân”- ông Chu Xuân Kiên khẳng định.

Trước áp lực khan hiếm nguồn cung xăng dầu, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, tình trạng thiếu hụt xăng dầu, tạm ngưng bán chỉ xảy ra cục bộ tại cửa hàng đại lý của các doanh nghiệp nhỏ. Bộ Công thương sẽ bảo đảm tốt các nguồn cung xăng dầu nói riêng cũng như an ninh năng lượng trong mọi tình huống.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, Bộ Công thương đã có văn bản trực tiếp liên quan đến một số đầu mối xăng dầu, nhất là các đầu mối có thị trường lớn như Petrolimex, PV Oil để có sự phối hợp chỉ đạo bảo đảm chủ động tìm nguồn cung. Việc bảo đảm an ninh năng lượng, trực tiếp là mặt hàng xăng dầu là hết sức quan trọng không chỉ cho đời sống người dân mà đây còn là đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh./.