Bản sắc dân tộc trong đường lối đối ngoại của đất nước
Nguyễn Hải Long
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Nam
Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Chúng tôi cảm nhận rõ điều ấy qua hoạt động đối ngoại hết sức sôi động của Đảng và Nhà nước những năm gần đây.
Đặc biệt, chúng tôi xúc động, tự hào khi được thấy hình ảnh người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta đón tiếp nguyên thủ và lãnh đạo các nước trong phong thái hiền hòa, tự chủ. Bạn bè quốc tế đều bày tỏ sự trân trọng, tin tưởng, quý mến người lãnh đạo tài trí, đức độ của Đảng Cộng sản Việt Nam và thể hiện mong muốn mở rộng mối quan hệ đối ngoại, hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, cùng hướng tới tương lai tốt đẹp.
Không khí các cuộc đón tiếp không chỉ dừng lại ở nghi thức ngoại giao mà tiến tới sự cởi mở, chân tình thăm hỏi, chia sẻ những hiểu biết về văn hóa truyền thống của hai bên…
Đó chính là những biểu hiện sinh động về triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Trong đó, Đại hội XIII chủ trương xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Phát biểu tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư đã phân tích quan điểm, quán triệt nhiệm vụ và khái quát thành trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam”. Có thể thấy, đồng chí đã dày công nghiên cứu lý luận và chiêm nghiệm sâu sắc lịch sử, kinh nghiệm ngoại giao của cha ông để đúc kết, khởi xướng nên trường phái ngoại giao đậm bản sắc dân tộc với hình ảnh cây tre gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách, khí phách người Việt Nam. Đó cũng là sự vận dụng nhuần nhuyễn và phát triển sáng tạo tư tưởng “Dĩ bất biến ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cùng với việc nghiên cứu phát triển lý luận, hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, Tổng Bí thư đã trực tiếp chỉ đạo và tham gia công tác đối ngoại với nhiều quyết sách quan trọng, hiệu quả, thể hiện rõ quan điểm linh hoạt về mặt sách lược, trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ đất nước.
Đồng chí luôn lưu ý, phải thúc đẩy tinh thần đoàn kết nhân ái, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người, biết tiến biết thoái; ưu tiên giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; cân bằng quan hệ với các nước lớn, làm bạn với các nước bạn bè trên thế giới; bảo vệ lợi ích quốc gia, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và bảo đảm ấm no, hạnh phúc cho người dân...
Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam với phong cách nho nhã của người Hà Nội, trí tuệ uyên bác của nhà lý luận am hiểu nhiều lĩnh vực cùng phẩm chất đạo đức, uy tín cá nhân đã tạo ấn tượng tốt đẹp, khó quên đối với bạn bè quốc tế.
Những đóng góp về lý luận và thực tiễn của đồng chí đã góp phần đưa đối ngoại Việt Nam lên một tầm cao mới, tạo nên thế và lực mới của đất nước. Chúng tôi vô cùng thương tiếc, cảm phục và biết ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lý luận, nhà ngoại giao xuất sắc của Đảng ta.
Một cuộc đời trọn vẹn dâng hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân
Nguyễn Thái Thuận
(Ấp Bà Điểu, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau)
Từ phương nam xa xôi, hòa chung nỗi mất mát, tiếc thương cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thế “giới người hiền”, trong lòng chúng tôi, Tổng Bí thư như một người thân trong gia đình, một tấm gương mẫu mực, một cuộc đời trọn vẹn dâng hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân.
Những ngày qua, những thông tin về cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư qua nhiều góc độ khác nhau, từ các bài viết của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cán bộ, đảng viên và nhân dân cũng như bạn bè quốc tế, càng thấu hiểu hơn về một nhà lãnh đạo xuất sắc, một nhân cách ngời sáng, mẫu mực. Những điều tốt đẹp Tổng Bí thư để lại là hình ảnh một cán bộ, đảng viên là “người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
Trong những câu chuyện chúng tôi được nghe, được thấy, được xem trên các phương tiện thông tin đại chúng, đến nơi nào làm việc, Tổng Bí thư cũng chọn cách đi đơn giản nhất, tiết kiệm nhất nhưng hiệu quả công việc phải đạt yêu cầu cao nhất. Là người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Quốc hội, khi xuống với dân lại rất mộc mạc, chân thành.
Đồng chí luôn mong muốn các cấp ủy, chính quyền nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, song song với khuyến khích mọi người, mọi nhà tích cực làm giàu chính đáng cho bản thân, cho gia đình, đồng thời nêu cao tính cộng đồng và truyền thống nhân ái, chăm lo cho người có công với nước...
Tổng Bí thư luôn trăn trở làm sao để xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, nhân cách; xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh với những giá trị truyền thống tốt đẹp song hành với xã hội hiện đại, phát triển.